GIA ĐÌNH
Người biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được? (1 Tm 3:4-5).
1. Tổ Ấm Tình Yêu
Gia đình là một tổ ấm của tình yêu. Gia đình là nơi chia sẻ và hun đúc tình yêu. Tình yêu sẽ triển nở khi mọi thành viên trong gia đình biết yêu thương nhau. Thiên Chúa từ đời đời đã liên kết với nhau trong tình yêu gia đình là Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ngôi Con xuống thế làm người cũng chọn gia đình để làm nơi náu thân. Biết rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, nhưng Thiên Chúa vẫn còn chọn cho Con của Ngài một người cha, đó là thánh Giuse. Thánh Giuse cùng Đức Maria và Chúa Giêsu đã xây dựng một gia đình thánh ở trần gian.
Gia đình đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và Thiên Chúa trao phó cho con người nhiệm vụ sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất. Thánh Phaolô viết thơ gởi cho giáo đoàn Ephêsô rằng: Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (Eph. 3:14-15). Từ đó gia đình này nối tiếp gia đình kia tạo thành một xã hội con người. Nói đến gia đình là nói đến sự kết hợp nhiệm mầu giữa cha, mẹ và con cái. Gia đình tạo thành một nền tảng vững chắc, như chiếc kiềng ba chân hoặc như một hình tam giác cân đều. Cả ba thành phần trong gia đình hỗ trợ và nâng đỡ nhau. Cha mẹ yêu thương nhau qua con cái. Con cái yêu thương cả cha lẫn mẹ. Nếu gia đình thiếu đi một cột trụ, gia đình sẽ chịu thiệt thòi và mất mát. Ca dao nói: Con có cha như nhà có nóc.
2. Quan Tâm Cho Nhau
Từ xa xưa, gia đình được coi là đơn vị nhỏ nhất trong xã hội. Gia đình chính là nền tảng của xã hội. Trong lịch sử Cứu độ, dân Do- thái sau khi đến vùng đất hứa, người lãnh đạo đã phân phối đồng đều theo đơn vị gia đình. Sách Joshua ghi rõ: Sáng mai, các ngươi sẽ tiến đến theo từng chi tộc. Thị tộc nào Chúa đã dùng thăm mà chỉ định, sẽ tiến đến theo từng gia đình. Gia đình nào Chúa đã dùng thăm mà chỉ định, sẽ tiến đến từng người một (Joshua 7:14). Ai thành công trong cuộc sống gia đình ắt sẽ thành công trong xã hội. Nơi gia đình là vườn ươm mầm đời sống và nơi tôi luyện các nhân đức của con người. Gia đình là trường học đầu tiên cho cả vợ chồng và con cái. Nơi đó mỗi người học biết quên mình đi cho người khác. Vợ hay chồng không còn sống cảnh độc thân, mà là cuộc sống chia sẻ, mỗi người bỏ đi một nửa cái của mình và chấp nhận một nửa khác. Để hòa đồng được với nhau, mỗi người hãy hạn chế những ý riêng, những sở thích và suy nghĩ của mình. Chấp nhận nhau với lòng thành và kiên nhẫn dắt dìu nhau bước tới.
Không phải tự nhiên mà chúng ta có được những gia đình gương mẫu sống trong an vui, hạnh phúc. Mỗi người trong gia đình đều phải cố gắng chu toàn bổn phận mình và tôn trọng người khác. Truyện kể: Một Hoàng đế Trung Hoa đi thăm đất nước và con dân của mình. Màn đêm buông xuống bắt buộc ông phải trú ẩn tại một nhà nông dân. Trong gia đình có 20 người. Tất cả đều sống chung trong hòa thuận và thương yêu nhau. Vua ngạc nhiên hỏi: Xin cho trẫm biết các ngươi làm cách nào mà giữ được hòa khí với số đông người và khác biệt nhau như vậy? Chủ gia đình điềm tĩnh trả lời: Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.
3. Nghĩ Đến Nhau
Quan niệm của người Á Đông là rất trọng truyền thống gia đình. Người ta nói: Cây có cội, nước có nguồn. Con người có tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Cho nên trong các tư gia, thường có bàn thờ tôn kính tổ tiên ở nơi trung tâm. Con cái cháu chắt nhớ ơn và hàng tháng, hàng năm, gia đình có lễ cúng bái tổ tiên ông bà. Gia đình là nhà và là nơi đại gia xum họp quây quần vào mỗi dịp cúng bái hay tết nhất. Gia đình là cái nôi, nơi đã cung cấp cho xã hội những người con ưu tú. Người ta còn nói: Tu đâu cho bằng tu nhà. Tại nhà, nơi gia đình, vợ chồng nâng đỡ nhau, con cái thảo kính và phụng dưỡng cha mẹ và anh chị em tỏ tình huynh đệ. Hai ngàn năm trước, khi Chúa Giêsu mời gọi một người đi theo, anh ta đã xin phép được về từ giã bà con. Thánh Luca ghi lại: Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."(Lc 8:61). Đi đâu chúng ta cũng mong về nhà. Về nhà chúng ta sẽ cảm thấy ấm cúng, thoải mái và đầy ắp tình yêu mến. Dù ở xa vạn dặm chúng ta vẫn mong ước được về nhà. Vì sao thế? Vì nhà đây có thể là nơi chôn nhau cắt rốn, có thể là nơi cha mẹ, anh chị em sinh sống và có thể là kỷ niệm của thời thơ ấu. Mọi người, mọi cảnh đều thân thương và qúi mến. Nơi đó có tình yêu chia sẻ và quan tâm đùm bọc lẫn nhau.
Truyện kể có một bà mẹ sau khi đi dự tiệc, người ta trao bà trái cam để ăn tráng miệng. Bà nghĩ đến đứa con ở nhà, nên bà bỏ trái cam vào túi để dành cho con. Đứa con thấy mẹ về, nó hớn hở chạy ra đón và bà liền đưa trái cam cho con. Em bé mừng quýnh và cám ơn mẹ. Em định bóc vỏ ăn ngay cho đỡ thèm. Nhưng em chợt nghĩ đến bố đang vất vả đạp xe xích lô ngoài đường. Em cất trái cam vào túi đợi bố về để tặng bố. Khi ông bố vừa về đến nhà, em bé cầm trái cam chạy đến và nói: Thưa bố, chắc bố mệt lắm, con có cái này biếu bố ăn cho đỡ mệt nè. Ông bố vô cùng cảm động trước cử chỉ của con. Nhận lấy trái cam, ông cám ơn con. Cầm trái cam vào nhà, ông định bóc cam cho cả hai bố con ăn. Nhưng ông tự nghĩ con mình còn bé mà biết làm cho cha mẹ vui, sao mình không biết nghĩ đến vợ đang vất vả trong bếp. Thế là ông cầm ngay trái cam vào bếp tươi cười và nói: Anh tặng em trái cam nè. Cử chỉ thật đẹp! Chỉ một trái cam làm cả gia đình vui vẻ và thông cảm. Vì ở đâu có tình yêu, ở đấy có qùa tặng. Thánh Gioan mời gọi: ”Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi nhưng yêu bằng việc làm thực sự” (1Ga 3:18)
4. Nâng Đỡ Nhau
Trong bất cứ nền văn hóa nào, xã hội cũng có những ngày đặc biệt dành riêng để gia đình xum họp và gặp gỡ nhau. Bên các nước Tây Phương có ngày Lễ Tạ Ơn hoặc ngày Đầu Năm, những ai đi xa nhà như đi làm, đi học đều tìm về mái ấm gia đình. Ở các nước Á Châu, ngày Tết Nguyên Đán là ngày xum họp để chúc tuổi và chúc Tết nhau. Chúng ta thường thấy vào các dịp tết nhất, các phương tiện giao thông ứ nghẹt vì ai cũng muốn một chút hơi ấm của mẹ của cha và bà con họ hàng. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, dù có vất vả hay hao tốn tiền bạc, tình yêu réo gọi tình yêu xum vầy. Trừ những trường hợp bất khả kháng, chúng ta đành chịu, nhưng rồi mỗi người cũng tìm đủ mọi cách để nghe được những lời êm dịu ngọt ngào và ấm cúng của nhau qua điện đàm hay tham thông dự niềm vui cùng gia đình cách hàm thụ. Tình yêu gia đình thật nhiệm mầu và thân thương. Tục ngữ Việt Nam nói rằng: Một giọt máu đào, còn hơn ao nước lã là thế.
Gia đình đầm ấm là do vợ chồng biết thương yêu nhau. Họ tìm biết được những ý thích của nhau và thỏa mãn những điều mong ước đó. Đôi khi không phải những thứ sa xỉ phẩm như kim cương hột xoàn hoặc vàng bạc châu báu mới làm vui lòng nhau. Nhưng là chính những sự quan tâm nhỏ nhỏ, một nụ cười, một ly cà phê pha sẵn và một sự giúp đỡ nhỏ trong công việc thường ngày. Chính những việc nhỏ này sẽ làm nên ấn tượng khó quên. Câu truyện thật: Ông bà cụ John và Amelia Rocchio nói cho chúng ta bí quyết của cuộc hôn nhân gia đình kéo dài 82 năm. Khi John 19 tuổi và Amelia 17 tuổi, họ đã cưới nhau trong nhà thờ Công Giáo tại thành phố Providence, thuộc tiểu bang Rhode Island, USA. Vợ chồng có với nhau 2 cô con gái. Cụ nói: “Sự kiên nhẫn và hiểu biết lẫn nhau và dành thời giờ cho nhau, sẽ giúp cuộc sống hôn nhân gia đình bền chặt lâu. Sách Kỷ Lục Thế Giới Guinness ghi danh Ông bà cụ John và Amelia Rocchio kéo dài nhất suốt 82 năm.
5. Kiện Toàn Nhau.
Thiên Chúa trao ban cho mỗi người một khả năng. Khả năng được dùng để sinh lợi ích cho gia đình và xã hội. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống cùng, sống với và sống nhờ người khác. Như trong một thân thể, có nhiều chi thể, mỗi chi thể chịu trách nhiệm riêng nhưng liên kết với nhau để bảo toàn sự sống. Trong đời sống gia đình cũng thế, mỗi thành viên trong gia đình không những lo chu toàn bổn phận của mình nhưng cần quan tâm và nâng đỡ người khác. Chúng ta không thể sống còn, nếu không có những động viên, nâng đỡ và phụ giúp từ người khác. Ca dao nói rằng: Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.
Sự cộng tác và hỗ tương nhau sẽ giúp chúng ta đạt kết quả trong công ăn việc làm. Chúng ta hãy nghe câu truyện: Một nhà du lịch quanh thế giới dừng chân tại một quán trọ trên đỉnh đồi trông xuống một nông trại của người cùi. Ông lấy viễn vọng kính ra xem những người cùi sinh họat ra sao? Ông thấy quang cảnh thật cảm động trước ống kính. Ông thấy họ đang gieo hạt, một người cùi mất tay cõng một người cùi mất chân.Thế là họ gieo từ luống này qua luống khác. Người này gieo và người kia lấp đất. Ông Henny Ford nói rằng: Ngồi lại với nhau, mới chỉ là bắt đầu, đoàn kết với nhau sẽ có tiến bộ nhưng làm việc với nhau mới chắc chắn thành công.
6. Khủng Hoảng Gia Đình.
Mặt trái của đời sống xã hội dần dần được công khai hóa trong đời sống gia đình. Quan niệm truyền thống gia đình có ba thành phần: cha, mẹ và con cái. Theo trào lưu văn minh tiến bộ khoa học và văn hóa hưởng thụ, đã dẫn đời sống con người đi con đường tắt. Nhiều người đã bắt đầu chọn con đường cá nhân chủ nghĩa và độc lập. Họ không muốn bị ràng buộc trong đời sống gia đình, không muốn hy sinh và sống chết với nhau trong môi trường hôn nhân gia đình. Từ ngữ “gia đình” đã được hiểu một cách rộng rãi và có khi bị lạm dụng cho sự ích kỷ cá nhân và thỏa mãn những đòi hỏi bản năng thú tính của con người. Ngày nay cuộc sống gia đình bị đe dọa vì vợ chồng ly thân và ly dị nhau quá dễ dàng qua thủ tục của luật pháp. Tình yêu đôi lứa rất hời hợt, họ tìm thỏa mãn nhau và khai phá những bí mật của nhau, sau đó truất ngựa truy phong. Có rất nhiều bạn trẻ đang chung sống thử với nhau như vợ chồng nhưng không có Hôn Phối. Họ gọi là sống thử, sống thử với nhau rồi sinh con cái. Con cái được sinh ra trong một bầu khí gia đình còn đang sống thử. Sống thử là tạm thời cho nên thì cái gì cũng có thể xảy ra. Sống đời hai, ba mặt, ngoại tình cũng có và bất trung cũng không thể tránh. Rồi cuộc sống lang chạ đổi thay. Con cái sống bấp bênh như bèo trôi sông.
Thời đại hôm nay có nhiều hoàn cảnh rất éo le. Gia đình con cái không có cha hoặc không có mẹ. Gia đình có cha ghẻ hoặc mẹ ghẻ, con cái cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha hai ba đời. Con trẻ lớn lên trong bầu khí gia đình bất thường và thiếu tình yêu. Làm thế nào để có những đứa trẻ lành mạnh về tâm, sinh, lý được. Ngay từ nhỏ đã phải tranh dành để kiếm sống và tranh thủ tình yêu. Thiếu tình yêu, trẻ sẽ đi tìm nơi nào đó để khỏa lấp sự khao khát tình yêu và sự luyến ái tiếp tục nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn nữa, xã hội bệnh họan nẩy sinh những con người trung tính bệnh hoạn. Phái tính thay đổi, nửa trai nửa gái, hoặc đồng tình luyến ái. Họ đòi quyền bình đẳng, đòi được cưới nhau hợp pháp và chung sống với nhau như một gia đình. Đàn ông cưới và sống chung với đàn ông. Đàn bà cưới nhau và chung sống với đàn bà. Họ bước thêm một bước nữa là nhận con nuôi. Thế là tạo thành một kiểu gia đình mới. Gia đình có 2 người cha hoặc hai người mẹ chung sống. Con cái sẽ đi về đâu? Đây là một vài suy tư về những thực tại cụ thể trong xã hội. Chúng ta có thể làm gi? Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình.
7. Gương Hoàn Thiện
Thánh Phaolô gởi thơ cho giáo đoàn Galata, Ngài viết: Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin (Gal. 6:10). Mọi nơi, mọi thời cần có những mẫu gương gia đình sống động. Vì chúng ta biết rằng: Lời nói mây bay, gương bày lôi kéo. Trong Năm Quốc Tế Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong chân phước cho bà Êlizabeth Calnorimora. Bà Calnorimora sinh năm 1774 tại Rôma, bà là người đạo hạnh, được cha mẹ giáo dục đức tin chu đáo. Năm 22 tuổi, bà lập gia đình với một luật sư và đã có hai con gái. Sống với nhau được ít năm, bà phát hiện chồng bà ngọai tình. Bà khuyên lơn nhiều nhưng bù lại, chỉ là sự đánh đập dã man và tàn nhẫn. Bà phải cần cù làm việc và nuôi con. Năm 1801, bà mắc bệnh hiểm nghèo nhưng Chúa đã cho bà bình phục. Sau đó bà gia nhập Tu Hội Dòng Chúa Ba Ngôi. Nhà bà biến thành nơi cầu nguyện cho những người đau khổ. Bà tha thiết xin mọi người cầu nguyện cho chồng của bà. Năm 51 tuổi, Chúa đã cất bà về. Ông chồng cảm nhận tình thương và ông đã sám hối ăn năn, trở về phục tang vợ. Ông bị người đời chế nhạo: Nước mắt cá sấu. Ông cam chịu đựng để phần nào đền bù tội lỗi. Sau khi an táng vợ, ông trù liệu tiền bạc chăm sóc các con, con chung và con riêng. Rồi ông xin gia nhập Dòng Chúa Ba Ngôi và trở thành linh mục rất gương mẫu. Chúa đã nhậm lời cầu của bà Calnorimora và Chúa đã thương dẫn chồng bà về làm việc phục vụ cho Chúa và tha nhân.
8. Gia Đình Thánh
Đẹp biết bao đôi vợ chồng tín hữu, kết hợp với nhau bởi cùng một niềm hy vọng và cùng một đức tin. Chúa dậy chúng ta hãy luôn cầu nguyện. Thánh Luca ghi lại: Hãy cầu nguyện luôn, đừng chán nản (Lc. 18:1). Chúng ta biết rằng khi gia đình tốt thì nhân loại tốt. Gia đình là nhân tố góp phần xây dựng xã hội. Gia đình là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình tốt là nhờ gắn bó mật thiết với Chúa Kitô là Đầu. Gia đình Kitô hữu là Giáo Hội thu nhỏ hay là Giáo Hội tại gia. Nơi đó, mọi người có thể cầu nguyện, sống đức tin, đức cậy và đức mến. Cơ hội nên thánh ở trong tầm tay mỗi người. Chúng ta chu toàn bổn phận trong vui vẻ, tin tưởng và phó thác nơi tình yêu thương và quan phòng của Chúa. Chúng ta không phải tìm đâu xa, hạnh phúc ngay trong tầm tay và cơ hội nên hoàn thiện ngay trong những công việc nhỏ hằng ngày.
Người ta kể rằng trong đời Thánh Antôn tu rừng có một lần ngài xin tá túc ở trong một ngôi nhà của anh thợ đóng giầy theo ý của Chúa. Hai vợ chồng dọn một bữa ăn và chuẩn bị chỗ ngủ cho thánh nhân. Ngài tá túc ở đó ba ngày, hỏi thăm về đời sống và công việc làm ăn. Nhờ những câu truyện qua lại họ đã trở thành bạn thân với nhau. Sau đó, thánh Antôn từ giã họ trở về nhà, Chúa mới hỏi ngài: Con thấy vợ chồng người thợ giầy như thế nào? Thánh nhân thưa: Ông bà là một người đơn sơ, vợ ông có thai và sắp sinh con, họ có vẻ yêu nhau lắm. Ông ta có một cửa tiệm nhỏ để đóng và sửa giầy, ông làm việc hăng say. Gia đình ông sống đạm bạc với số tiền kiếm được nhưng luôn biết chia sẻ tiền bạc lương thực cho những người kém may mắn hơn ông. Ông và vợ ông tin tưởng mãnh liệt vào Chúa và cầu nguyện luôn. Họ có nhiều bạn thân và ông thợ giầy thì kể truyện khôi hài liên miệng. Chúa lắng nghe thánh Antôn và cuối cùng Ngài nói: Antôn, con là vị thánh sống và người đóng giầy và vợ ông cũng là những vị thánh sống.
Tâm Niệm
Lạy Chúa, gia đình là nơi chúng con vui hưởng hạnh phúc. Chúng con được sinh ra, lớn lên, được đùm bọc và ngụp lặn trong tình yêu gia đình. Gia đình là tổ ấm và là nơi chúng ta nhận ra được tình yêu thương của Chúa. Chúng con có mẹ, có cha, có anh chị em và họ hàng, chúng con có người thân đồng hành trong cuộc sống đức tin. Chúng con cùng tôn thờ, ca khen và cảm tạ muôn hồng ân Chúa đã tràn đổ trên đời sống chúng con. Chúng con luôn được ấp ủ trong tình yêu Chúa và tình yêu gia đình. Xin thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu thánh hóa và gìn giữ chúng con trong vòng tay yêu thương của Chúa đến muôn đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York