Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Lịch sử thành lập Nha Trang - Khánh Hoà


( Tài liệu tham khảo )

Đất Khánh Hòa xưa thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Sau bị Tần, Hán và Chiêm Thành chiếm. Chiêm Thành gọi vùng này là Kauthana.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn bành trướng lãnh thổ phía Nam. Năm 1653, vua Chiêm Thành là Bà Thấm đem quân quấy nhiễu Phú Yên, bị chúa Nguyễn Phúc Tần đánh bại và phải rút về phương Nam. Chúa Nguyễn lấy sông Phan Lang làm ranh giới và chia vùng đất mới là Thái Khang và Diên Ninh. Năm 1690, thời chúa Nguyễn Phúc Toàn, Thái Khang đổi là Bình Khang.



Năm 1742 chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Năm 1744, phủ Diên Khánh và Bình Khang gọi là dinh Bình Khang. Năm 1775, quân Tây Sơn do anh hùng Nguyễn Huệ chỉ huy đánh tan quân Tống Phú Hợp của chúa Nguyễn Phúc Thuần, chiếm lại vùng Diên Khánh, Bình Khang. Mùa Hè năm 1781, Nguyễn Ánh sai các tướng Tôn Thất Dụ, Tống Phúc Thiêm, Nguyễn Hữu Thụy, Châu Văn Tiếp đem ba vạn quân, 80 hải thuyền, ba đại chiến thuyền và ba tàu Bồ Đào Nha theo gió Nồm ra đánh Bình Khang, nhưng bị bộ binh của anh hùng Nguyễn Huệ đánh tan tành. Quân Nguyễn Ánh tháo chạy về Gia Định.

Đời Gia Long đổi dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa. Năm 1808, dinh này đổi thành trấn. Đến năm Minh Mạng thứ 12, trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa.

Thời Pháp thuộc, đồng bào Thượng tại Khánh Hòa tham gia phong trào kháng chiến rất Đông và giúp đỡ nghĩa sĩ Cần Vương thiết lập nhiều căn cứ kháng cự tại miền núi. Năm 1887, ông Gia đứng lên khởi nghĩa, lấy dãy núi Vọng Phu làm căn cứ và lập nhiều kho vũ khí trên vùng có đồng bào Thượng sinh sống.

Image

Đầu thế kỷ 20, Nha Trang mới chỉ là những làng chài heo hút dọc theo cửa sông Cái. Trước năm 1924, vùng đất mang địa giới hành chính Nha Trang ngày nay còn thuộc huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1924, vua Khai Dinh ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang. Lúc hình thành, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài.

Ngày 15 tháng 3 năm 1944 , vua Bảo Đại ra đạo dụ lấy thêm phần đất làng Phước Hải của huyện Vĩnh Xương sáp nhập vào thị trấn Nha Trang, đổi làng thành phường, nâng thị trấn lên thành thị xã. Thị xã Nha Trang lúc đó có 5 phường: phường đệ nhất (Xương Huân), phường đệ nhị (Phương Câu), phường đệ tam (Vạn Thạnh), phường đệ tứ (Phương Sài), phường đệ ngũ (Phước Hải).

Sau ngày 9 thang 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp cho chuyển cơ quan hành chính tỉnh Khanh Hoa về Nha Trang, tách phần đất Diên Khánh ngày nay ra khỏi huyện Vĩnh Xương. Huyện Vĩnh Xương còn lại phần đất của phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải và các xã ngoại thành Nha Trang hiện nay. Toàn huyện chia làm 2 tổng Sơn Hà và Xương Hà.

Image
Hòn Yến

Ngày 28 tháng 8 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra đạo dụ số 50 bãi bỏ quy chế thị xã, tách Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.

Ngày 20 tháng 7 năm 1970, tách 2 xã Nha Trang Đông và Nha Trang Tây ra khỏi Vĩnh Xương và lấy Ngọc Hội, Ngọc Thảo, Lư Cấm xã Vĩnh Ngọc của quận Vĩnh Xương thành lập thị xã Nha Trang.

Năm 1972, thị xã Nha Tramg được chia làm 2 quận. Quận I có 5 phường là: Vĩnh Thái, Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp, Vạn Thạnh, Duy Tân (Xương Huân cũ). Quận II gồm 6 phường là: Phương Sài, Tân Phước, Tân Lập, Phước Hải, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên.

Về phía chính quyền cách mạng, tháng 10 năm 1950, do yêu cầu của phong trào cách mạng, huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang được sáp nhập thành liên huyện thị Vĩnh Trang.thêm các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, các ấp Vĩnh Xuân xã Vĩnh Thái, Vĩnh Điềm Hạ xã Vĩnh Hiệp.

Trước năm 1975, tỉnh Khánh Hòa có các quận Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Dương, Vĩnh Xương, Diên Khánh, Cam Lâm và thị xã Cam Ranh.

Ngày 2 tháng 4 năm 1975, tỉnh Khánh Hòa đổi chế độ. Ngày 6 tháng 4 năm 1975 Ủy ban quân quản tỉnh Khánh Hòa tách Vĩnh Trang thành 3 đơn vị hành chính. Vùng đất thị xã Nha Trang trước đây chia làm 2 quận (Quận I và Quận II) và huyện Vĩnh Xương cũ đổi thành quận Vĩnh Xương.

Tháng 9 năm 1975, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa quyết định hợp nhất Quận I và Quận II, lấy thêm các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước của quận Vĩnh Xương thành lập thị xã Nha Trang.

Tháng 4 năm 1976, 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất lại thành tỉnh Phú Khánh . Phần đất của quận Vĩnh Xương nhập vào quận Diên Khánh làm thành huyện Khánh Xương.

Ngày 30 tháng 3 năm 1977, theo Quyết định số 391-QĐ/CP của Hội đồng Chính phủ, lấy 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương cắt ra khỏi huyện Khánh Xương nhập vào thị xã Nha Trang. Đồng thời nâng thị xã Nha Trang lên thành thành phố trực thuộc tỉnh Phú Khánh.

Ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thành phố Nha Trang trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Hiện tại dân số Nha Trang vào khoảng 300.000 người và ước tính sẽ tăng lên khoảng 500.000 đến 600.000 người vào năm 2020. Thành phố có thêm nhiều khu đô thị mới ở phía Nam như Hòn Rớ, phía Bắc như Vĩnh Thái và kế hoạch xây khu đô thị phía Tây.

Tên gọi NHA TRANG



Có một số cách giải thích nguồn gốc tên gọi Nha Trang. Cách giải thích thuyết phục nhất là: Nha Trang phỏng theo âm tiếng Chăm Ýa Trang (Ýa = nước, nguồn nước, còn dùng để chỉ sông, suối; Trang = cây lau) nghĩa là sông Lau. Sông Lau chính là sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay.

Image
Hòn Chồng

Theo Bồ Thuận trong Sự tích vua Pô Klong Garai hay là sự tích Tháp Chàm (tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn) thì người Chăm có câu ca: "Ko ýa ru iku ýa trang" (đầu ở Ninh Hòa, đuôi ở Nha Trang) tả cảnh dân chúng đưa chàng Lac về kinh làm vua thành doàn dài dằng dặc như vậy.

Image
Tháp Bà

Một số văn bản tiếng Pháp thế kỷ 18 ghi địa danh Nha Trang là Nhatlang (2 lá thư viết năm 1715 và 1718 của Giám mục Marin gửi các Giám đốc Chủng viện), Natlang (Hồi ký về xứ Đàng Trong, 1744 của Pierre Poivre), Nathlang (thư viết năm 1746 của M. Faure).

Image

Địa danh Nha Trang môn đã xuất hiện trong tập bản đồ Việt Nam có tên gọi là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, do họ Đỗ Bá soạn vào nửa cuối thế kỷ 17, trong tập bản đồ khác mang tên Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vào cuối thế kỷ 17.

Image

Trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Qúy Đôn đã có nhiều tên gọi Nha Trang như đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang...
( Vĩnh Trinh )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét