Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

CHỈ CÓ 2 ĐIỀU THÔI

1- Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm : đó là sức khỏe và lời hứa.
2- Có 2 thứ bạn phải cho đi : đó là tri thức và lòng tốt.
3- Có 2 thứ bạn phải thay đổi: đó là bản thân và nhận thức.
4- Có 2 thứ bạn phải giữ gìn: đó là niềm tin và nhân cách.
5- Có 2 thứ bạn phải trân trọng: đó là gia đình và hiện tại.
6- Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện: đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
7- Có 2 thứ bạn phải lãng quên:   đó là đau thương và hận thù.
8- Có 2 thứ bạn phải khắc ghi:   đó là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
9- Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công:   đó là đam mê và lòng kiên trì.
10- Có 2 thứ bạn không được làm:   đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
11- Có 2 thứ bạn phải bảo vệ:   đó là danh tín và lẽ phải.
12- Có 2 thứ bạn phải chấp nhận:   đó là cái chết và sự khác biệt.
13- Có 2 thứ bạn phải kiểm soát:   đó là bản năng và cảm xúc.
14- Có 2 thứ bạn phải tránh xa:   đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
15- Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện:   đó là tiền bạc và kinh nghiệm.
16- Có 2 thứ bạn không được sợ sệt:   đó là cái ác và sống thật.
17- Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng :    đó là tình yêu và sự bao dung.
18- Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống:   đó là thành đạt và hạnh phúc.
19- Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng:    đó là khó khăn và ngày mai.
20- Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ:    đó là thực hiện những điều trên và làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

LÁ THƯ CỦA BỐ GIÀ

Kính tặng tất cả những ai còn có nghĩa vụ chăm sóc Bố Mẹ già.
Các con yêu quý,
Thấm thoát trời đã vào Đông. Những ngày cuối năm thời tiết bắt đầu trở lạnh, năm nay chậm hơn mọi năm vì gần hết tháng 11 rồi còn gì! Nghe tin tức từ miền Đông, tuyết rơi liên tục chôn cả nhà cửa và đường sá, vậy mà ở Nam California, nhiệt độ ban đêm xuống thấp lại chóng tan vào lúc bình minh dưới nắng ấm ban mai... Ấy là một đặc ân trời ban cho miền Tây này, phải thế không con? Tuy nhiên sáng nay, hơi lạnh đầu mùa cũng đủ làm Bố co ro trên giường không muốn dậy. Người già chịu đựng cái cảnh cô đơn và lạnh lẽo rất kém cỏi, con vẫn biết?
À! Bố vừa nhắc hai chữ “đặc ân”, tất sẽ phải nhớ nói câu cảm ơn. Ân với nghĩa như âm dương luôn tương tác sánh đôi, không thể có ân mà thiếu nghĩa. Hơn nữa chúng ta đang bước vào mùa Thanksgiving, lễ Tạ Ơn cổ truyền hàng năm trên đất Mỹ.
Nhập gia tùy tục, sống theo phép ơn đền nghĩa trả nhưng khả năng ngồi viết gẫy gọn một lá thư hầu như đã mất nên Bố đành nắn nót tâm tư qua hơi thở đứt đoạn và nhịp tim già nua chậm chạp. Sức khỏe người già vào mùa lạnh mong manh lắm, nghĩ đến đâu tâm sự đến đó vậy... Con cảm phiền đọc lên bằng trực giác thì may ra mới hiểu cái đầu suy nhược này còn nghĩ vơ vẩn những gì? Hai bàn tay của Bố hiện nay sáng thì run rẩy, chiều lại đau nhức, chẳng qua vì đang lận đận với cái tuổi thọ lọt ra ngoài giới hạn trăm năm đời người.
Tạ ơn! Bâng quơ nhoẻn miệng cười mà nói đôi lời cảm tạ thì có gì khó đâu nhưng thổ lộ một lời tạ ơn bằng chánh niệm mới là điều đáng lưu ý để tâm! Tạ ơn Trời đã cho Bố tuổi đời trăm năm này ư? Bao đêm trằn trọc không ngủ vì tâm thân đau đớn hoảng loạn; đến khi tỉnh táo là lúc lại đối diện với bối rối chẳng biết mình có phúc hay có tội mà phải sống tuổi già điêu đứng từng ngày? Tạ ơn các con đã thương xót thân già này ư? Trải qua bao lần nhắn nhủ, dù biết rằng mỗi đứa một tính nhưng thực tế vẫn dạ xót lòng đau bởi đa số các con thương để bụng rồi phát chướng! Xót như xát muối vào lòng cũng khó tiêu hóa để chuyển tình thương ấy ra hành động. Thân già cô độc vẫn hoàn cô đơn với nỗi buồn từng phút, từng giờ, từng ngày, từng đêm, tháng này qua năm nọ... Thương mà vắng mặt, ở xa đã đành nhưng ở gần cũng thế, tìm cơ hội xa lánh người mình thương thì thương làm gì cho khổ tâm thân? Chẳng ích gì cho nhau cả! Quả thực, nghịch cảnh vô minh ấy đã vô hiệu hóa tình thương nên có đau có xót cũng chỉ pha thêm phần bạc bẽo... Nhiều lần trước mặt các con, Bố đã tỏ ý vui mừng nếu kết liễu được kiếp đời lê thê nặng nợ, xem như ấy là thượng sách chấm dứt tuổi già vô dụng với nỗi buồn lây lan làm ray rứt lòng thương; nhưng sáng dậy vẫn thấy mình còn sống ngoài ý muốn.
Quay lại câu chuyện Tạ Ơn nhân ngày Thanksgiving 2014, dù hoàn cảnh nào thì gia đình mình cũng chân thành biết ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta trong những năm đầu lưu lạc xa quê, rồi bây giờ các con thành công ngay trên miền đất hứa. Lẽ thường ở đời, con người và sự việc đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian, may hay rủi sống ngoài đường biên đã vạch sẵn thì phải tâm niệm sẽ khoác vào thân những ưu phiền. Ấy chính là phận già đau khổ này. Thỉnh thoảng có kẻ hồ đồ bảo rằng: “Cụ ơi, sướng mà chẳng biết! Tuổi già như Cụ lẽ ra vào “tu” ở viện dưỡng lão lâu rồi... Còn được ở nhà như vầy là phúc bẩy mươi đời, than vắn thở dài làm chi cho tổn thọ.”
Thôi thì mỗi người một ý. Tuổi già sống thọ mà đầu óc lú lẫn, ngồi cả ngày ngủ gà ngủ gật với tã ướt thì có khác gì phận tù chung thân? Ai đã từng qua cầu mới mong hiểu nổi dòng sông nước chảy nông sâu khúc nào. “Trẻ cậy cha, già cậy con” là câu ơn nghĩa để đời nhưng phải chăng cái vế thứ hai vì sống vội mà con người văn minh ngày nay ít còn cơ hội khả thi? Tuổi già sáng dậy nhìn Trời cậy Phật chờ con nhưng họa hoằn mới có đứa một công đôi ba việc hững hờ đến thăm. Mỗi đêm nhắm mắt trên giường ngủ tưởng như đã nằm yên trong lòng đất nhưng may mà phiêu diêu được thì tối lửa tắt đèn cũng chẳng có đứa con nào hay biết!
Tâm lý người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là... thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng... Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó. Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói, lập đi lập lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi.
Xin lỗi! Con nhận đi để Bố khỏi bị mặc cảm sống già là có tội, mỗi ngày mỗi tồi tệ và tương lai đang lùi dần về quá khứ bởi thân tâm này mang toàn cảnh vụng dại của một đứa trẻ tiềm ẩn vào thân xác một cụ già. Ấy chỉ là chuyện bình sinh chuyển hóa người già trở về con trẻ trước thời kỳ phải hóa thân đấy thôi. Nếu nghe Bố nói lăng nhăng đầu đuôi lẫn lộn thì hãy tha thứ vì đó là trạng thái bất ổn dẫn Bố từng bước tiến dần đến hồi chung cuộc và rồi chẳng bao lâu nữa, cha con mình sẽ phải vĩnh viễn xa nhau.

Hãy kiên nhẫn với người già để mọi sân hận dễ từ bi buông xả, tỷ dụ hôm nọ Bố lỡ tay đổ ly cà phê, bắt con phải chùi rửa cực khổ thì cũng đừng nặng lời như con đã làm bởi vì người già nhiều tự ái nên hay tủi thân. Con còn nhớ hay quên? Buổi trưa hôm ấy, nhìn con giận mà Bố thấy sợ hãi. Như một đứa trẻ có phản xạ tự nhiên, Bố chỉ còn biết chắp tay niệm Phật cầu xin.
Hối tiếc! Cha con mình cùng hối tiếc thì đã muộn. Mặc dù Bố luôn tha thiết cần sự hiện diện của các con như người bạn đồng hành trong khoảnh khắc nhưng đôi khi mơ màng ngồi gần nhau cả giờ im lặng, cũng đừng ngạc nhiên bởi khả năng tai với mắt của Bố đã suy yếu gần như mờ và điếc từ nhiều năm nay. Nếu Bố có lập đi lập lại câu hỏi không nghe rõ, dù khó chịu mong con vẫn nhẫn nại trả lời hay thảo xuống tờ giấy cho Bố đọc chứ lẳng lặng cắt đứt câu chuyện là điều khổ tâm vì nó khơi dậy cái tò mò bế tắc và tự ái bị khi dễ trong đầu kẻ đã đầy mặc cảm sa sút.
Những lúc hiếm hoi ngồi gần nhau, con tránh bịt mũi rồi buông lời chê trách vì cái mùi dị biệt từ thân thể Bố toát ra. Người già có mùi của người già như trái chín trên cây thối ủng sắp rụng cành. Lẽ thường, đó là mùi tử biệt chẳng thể nào mãi mãi thơm tho như trái xanh trên cành. Cũng đừng lôi kéo bắt các Cụ phải tắm rửa thường xuyên vì tuổi già sợ lạnh và sợ nước. Thân thể họ gầy còm, yếu ớt, nhu nhược nên dễ bị đau ốm cảm lạnh, họ giống nhau ở điểm này nên con cần ghi nhớ mà thông cảm. Tuổi già sống nhiều với quá khứ , vì thế Bố nhớ thuở còn bé, con chạy quanh nhà mỗi khi Mẹ bắt tắm và Bố phải đuổi theo, đến khi tóm được thì con vùng vẫy than khóc thật lâu mớingừng. Kỷ niệm ấy con còn nhớ, hay đã quên?
Nhẫn nại! Có lẽ chỉ cần thế thôi đối với người già! Các con phải hiểu thì mới thương rồi ân tình giúp đỡ. Nhẫn nại thăm nom chia sẻ, nhẫn nại ngồi nghe tào lao, nhẫn nại dọn dẹp vung vãi, nhẫn nại dắt đi quanh phố, nhẫn nại ngửi mùi khai thối, nhẫn nại chùi rửa vệ sinh và nhất là nhẫn nại giúp họ nhắm mắt thanh thản mỗi đêm, cùng với nụ cười. Từng ấy nhẫn nại, các con có thương thì mỗi người chỉ cần làm một chuyện. Thân già sống lâu mỗi ngày mỗi tệ hại rồi sẽ đến lúc không thể ngồi dậy, nằm trên giường thở, ăn và tiêu hóa. Đáng thương hay đáng tội còn tùy vào sự nhẫn nại hiểu biết của mỗi người.
Được như thế thì giây phút chia ly cuối cùng, Bố sẽ mãn nguyện ra đi và các con cũng khỏi phải nhỏ một giọt lệ than khóc vì chúng ta chẳng còn gì hối tiếc. Tất cả đã đầy đủ bổn phận, tình thương và hiểu biết khi nghĩ rằng mười giọt nước mắt ân tình rơi giữa đám tang thì bẩy giọt đã phát xuất từ sự ân hận, xin lỗi... muộn màng!
Ai cũng biết “cha mẹ có trong con” nên ghét con là ghét chính mình, vì thế bức thư này chỉ là một thông điệp nhắc nhở thương yêu. Điều chắc chắn một mai khi Bố ra đi gặp Mẹ, ở thế giới bên kia sẵn phép nhiệm màu, Bố sẽ phù hộ cho cuộc sống các con nhiều may mắn nhưng sẽ từ chối chúc các con phải sống đời trăm tuổi vất vả như Bố hiện nay, không những thế lại còn lây lan bao lo âu khó nhọc sang cả gia đình.
Cuối thư, Bố xin tạ ơn đời, tạ ơn người. Trong cái may có cái rủi và ở cái rủi đã có sẵn cái may, chuyện đời vô thường là thế! Cầu mong quê hương nước Việt thật sự độc lập, dân chủ, hạnh phúc và đất nước hùng cường này mãi mãi no ấm thịnh vượng như mùa gặt cuối thu 1621 của người Pilgrim khởi đầu truyền thống Thanksgiving: Gia đình quây quần bên bếp lửa có gà Tây, ngô khoai, bí đỏ... với hương vị ân tình.
Hôn các con thật nhiều,


Cảm thông thay cho xét đoán

Cổ nhân có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” (người ta coi miếng ăn bằng trời). Thực vậy, con người không thể sống mà không ăn. Mỗi phút sống của con người đều cần năng lượng cho dù là lao động cật lực hay nằm ngủ khì. Cần phải nạp năng lượng để bù vào khoảng tiêu hao để tiếp tục sinh tồn. Đó là lẽ tự nhiên! Cũng không phải vô cớ mà người ta hay nói: “Con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là con đường thông qua bao tử”. Ai đã trải qua cái đói chắc hẳn có thể cảm nghiệm được điều này. Nhớ thời bao cấp, anh bạn tôi một đêm đói quá không ngủ được, lồm cồm bò dậy làm… thơ:
- Em ơi anh nhớ em nì
Cho anh một củ khoai mì được không?
- Khoai em mới bới ngoài vồng
Thương anh thương thật, đừng hòng chia khoai
- Nhớ em anh gọi em hoài
Thương anh thì để cho vài bắp ngô
- Thương anh như nước Biển Hồ
Muốn gì cũng được nhưng ngô thì… đừng!
- Cơm khoai rắc tí muối vừng
Thương nhau thì để cho chừng bát con
- Mẹ em mới mượn ngoài hòn
Được lưng chén gạo có còn nữa đâu!
- Thôi đành hẹn lại kiếp sau
Yêu nhau không nỡ chưởi nhau kiếp này
Khốn thay cho cái dạ dày
Không cơm không gạo tình quay mòng mòng…
Thế mới biết cái đói chi phối con người ta đến mức nào! Cũng chả trách nhiều người luôn miệng: “Có thực mới vực được đạo”. Chúa Giêsu biết hết mọi nhu cầu của con người. Ngoài việc rao giảng Lời Hằng Sống, chữa lành bệnh tật, Người còn cho họ “ăn”. Với quyền năng của Người, mọi sơn hào hải vị chỉ là “chuyện nhỏ”! Vậy mà không, chỉ đơn giản là bánh và cá xuất phát từ bữa ăn đơn giản của một cậu bé nghèo. Nhưng, “ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”! Chúa Giêsu còn tâm lý hơn, Người hóa ra dư dả để mọi người được no nê, không phải làm khách, mặc dù Người không thích phí phạm: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi" (Ga. 6, 12). Còn mong chờ gì hơn, mơ ước gì hơn? Không, tôi đã lầm! Ham muốn của con người là không giới hạn:
- Tôi vẫn chưa được ăn tô phở bò Kobe giá 35 đô.
- Tôi vẫn chưa có Ipad, Iphone…
- Tôi vẫn chưa sắm được Innova.
- Tôi vẫn chưa lo được cho con tôi vào trường quốc tế.
- Tôi vẫn chưa sắm đủ thiết bị nội thất ưng ý cho tổ ấm của mình.
Và thế là, tôi khư khư nắm chặt tay lại, tính toán, cân nhắc… Tôi quên mất rằng tôi đang hiện diện đây chính là nhờ: “Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê.” (Tv 144, 16). Tôi quên mất rằng mọi việc Chúa làm là để nêu gương cho tôi. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15) Chính vì thế, tôi cứ bo bo giữ chặt “năm cái bánh và hai con cá” khẩu phần của mình. Và, phép lạ đã không xảy ra! Trong nạn đói năm xưa, khi tiên tri Êlia đến với bà góa thành Sarepta, nếu bà góa ấy không mạnh dạn trút hũ bột và lọ dầu ra thì chắc hẳn phép lạ cũng đã không xảy ra. Hũ bột và lọ dầu ấy có dè xẻn lắm cũng chỉ được 2 ngày cho hai mẹ con. Giữa thế kỷ 21 này, có lẽ chẳng còn mấy ai tin vào phép lạ, đó cũng chính là nguyên do để phép lạ… không xảy ra! Tôi vẫn nghe đâu đó những câu đại loại như:
- Vụ tai biến vừa rồi, không có tiền là tôi chết rồi!
- Thằng con tôi gây tai nạn giao thông, không có tiền là “ba bó” như chơi!
- Vợ tôi sinh khó, không có tiền là coi như tiêu.
- Con gái tôi bị bệnh mắt bẩm sinh, không có tiền thì chắc giờ này đui luôn rồi.
Không nghe ai nói: “Không có Chúa thì tôi chết rồi!” À, có. Nhưng chỉ nói nhỏ thôi vì những người nói câu này đều nghèo, không dám nói lớn, sợ nói lớn không ai nghe! Tôi đã chứng kiến chị “nói nhỏ” bị bác sĩ chê, chỉ uống dăm ba thứ lá thuốc vớ vẩn đã khỏe mạnh lại cả chục năm nay. Tôi cũng chứng kiến anh “nói lớn” qua tận Singapore điều trị hóa chất 5-7 đợt chỉ sống thêm được mấy tháng. Phép lạ vẫn hiển nhiên đó nhưng chỉ vì tôi còn đóng chặt cửa tâm hồn nên không nhận thấy.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ người đang đói. Vậy mà, trên nhiều bàn tiệc bia bọt vẫn chảy tràn lan. Trong nhiều cuộc liên hoan, người ta đùa giỡn bằng cách ném bánh kem, trái cây, sôcôla vào nhau… "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi" (Ga. 6, 12), lời Chúa phán hóa nên lạc lõng!
Để biết sống yêu thương và chia sẻ quả thật không dễ! Trước tiên, tôi phải biết đồng cảm với người anh em. Vui với niềm vui của anh em, buồn với nỗi buồn của anh em, lo với nỗi lo của anh em, đói với cái đói của anh em… Tôi may mắn có một người thầy nay là mục tử của một giáo phận ngoài Bắc. Thuở hàn vi, thầy trò cùng làm ruộng sinh sống ở một vùng cao, việc lấy nước vào ruộng rất khó khăn. Chúng tôi thường phải chia thêm phiên nước đêm vì nước lấy ban ngày không đủ. Do đó, thường nảy sinh việc tháo nước trộm. Nhiều hôm, vất vả đi ngược mương cả hai, ba cây số dẫn nước về, chưa đến ruộng mình đã thấy người khác mở “trổ” cho chảy vào ruộng của họ. Tôi rất bực mình đối với hạng người này. Một hôm, “ông thầy” hỏi tôi: “Cậu nghĩ sao khi một người đã từng nói với cậu “Tôi thà chịu đói chớ không tháo nước trộm”, một hôm lại bị người ta đập vì tội tháo nước trộm?” Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời sao, “ông thầy” tiếp tục: “Có thể khi anh ta nói câu đó là hết sức thật lòng. Nhưng lúc bấy giờ anh chưa đối diện với thực trạng vợ anh đang sốt mê man, con anh chỉ húp cháo loãng cầm hơi, miếng ruộng lại vênh bánh tráng vì khô hạn…” “Ông thầy” đã dạy cho tôi bài học cảm thông thay cho bài học xét đoán. Tôi tin rằng hiện nay, ông đang lo lắng cho đàn chiên của mình bằng tình yêu xuất phát từ một niềm cảm thông thật sự.
Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã thông cảm với những đói khát rất con người của chúng con. Chúa đã thương ban cho chúng con những gì cần thiết để trở nên giống Chúa. Chúa đã cho nhiều người còn đói khát, thiếu thốn để tạo cơ hội cho chúng con bắt chước Chúa mở rộng bàn tay. Xin cho chúng con biết hy sinh những chiếc bánh, con cá riêng tư để phép lạ Chúa được diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Đó chính là cách thế để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và Ý Cha thể hiện”. Amen.
* Pio X Lê Hồng Bảo

Sinh viên - bạn cần gì?


Giờ này có thể bạn đang ngủ rất ngon. Tôi thì không dù đồng hồ chỉ đúng 5h sáng. Mấy nay cứ trăn trở nhiều thứ, thức khuya lắm! Nhiều khi cũng thắc mắc không biết mình có phải 25 tuổi không? Thấy mình già so với tuổi quá.
Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!
Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.
Có quá nhiều câu chuyện kể về những con người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, cùng cực để rồi họ có động lực vươn lên thành công. Tôi từng đọc và cả tiếp xúc với những con người ấy và tôi nghĩ: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ có động lực vươn lên như họ thôi”. Hoặc cũng không thiếu những câu chuyện về những người thành công được sinh ra trong một nền tảng gia đình rất tốt, ba mẹ đều thành công và họ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tôi cũng biết và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhóm này, rồi tôi cũng từng nghĩ: “Gia đình họ có điều kiện và nền tảng như vậy, việc họ thành công không có gì đáng ngạc nhiên cả”. Nếu bạn cũng có những suy nghĩ giống như tôi cho hai trường hợp trên, thì tôi chia sẻ rằng đó chỉ là sự biện hộ thôi. Cả hai nhóm người trên đều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi thì thuộc nhóm người ở giữa và tôi nghĩ mình giống đa số các bạn. Nói một cách văn vẻ đây là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình về nhiều mặt. Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá nghèo (tuy là hơi nghèo vào cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình nào cũng vậy thôi). Tôi học không xuất sắc, nhưng cũng không dở. Tôi không tự ti, nhưng cũng chẳng tự tin về mình lắm. Tôi không có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, nhưng cũng có không ít bạn bè,… Tôi nói như vậy chỉ để muốn chia sẻ với bạn rằng ai cũng có thể vươn lên cho dù xuất thân trong hoàn cảnh gia đình như thế nào, thành tích học tập ra sao, thông mình vừa vừa, thông minh kiệt xuất, hay ngu si đần độn,… Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả trách nhiệm của mình. Ai cũng có thể vươn lên!
Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều bạn sinh viên.
Trong một lần tọa đàm thân mật với khoảng 20 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau, có một bạn sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế hỏi tôi rằng: “Anh ơi, trong 4 năm học đại học, em không tham gia hoạt động hoặc đi làm thêm gì hết, vậy thì bây giờ em điền cái gì vào CV để xin việc đây anh?”. Khi tôi hỏi ngược lại những người tham dự hôm ấy là ai cũng ở trong tình trạng giống vậy, thì quá ngạc nhiên là khoảng 60% cánh tay giơ lên. Trời ơi! Tôi chỉ muốn hét thật to với nhóm bạn trẻ đó (may là tôi giữ được sự bình tĩnh để từ tốn chia sẻ): “Các em ơi, sao các em đi tìm một thứ mà chắn chắn là không có trên đời này vậy? Các em muốn thành công mà không phải trả giá? Các em muốn học giỏi mà không có những đêm thức trắng vùi đầu vào đèn sách sao? Làm gì có cái thứ đó trên đời này”. Tôi đang nói đến một tư duy vô cùng nguy hiểm ở các bạn sinh viên, tư duy mì ăn liền. Cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng muốn người ta mang đến dâng cho mình, ngồi rung đùi mà hưởng trái ngọt.
Khi huấn luyện một khóa học với chủ đề “Sẵn sàng cho sự nghiệp”, tôi ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều bạn sinh viên mong muốn bước vô khóa học để được nghe về cách trả lời phỏng vấn, cách viết CV sao cho hay, cách làm sao để thi đậu vào chương trình MT (Management Trainee – đây là một cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ của các tập đoàn đa quốc gia rất được giới sinh viên quan tâm). Nói chung là các bạn cần những cái có thể xài được liền, tạo kết quả ngay tức thì. Thực dụng không có gì là xấu cả, tuy nhiên nó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một nền tảng nhận thức vững chắc về sự nghiệp, về tư duy lãnh đạo, về phong cách làm việc, về văn hóa ứng xử nơi công sở,... Hay nói một cách khác là nội lực của bạn có mạnh thì kỹ năng mới phát huy tác dụng. Khi hỏi thăm thì tôi biết được các bạn rất ít tham gia vào những hoạt động xã hội, các câu lạc bộ đội nhóm và nỗ lực vươn lên nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau. Vậy mà ai cũng muốn thi đậu vào MT? Tôi giả sử các bạn may mắn trả lời phỏng vấn tốt để vào được chương trình này, thì liệu bạn có “sống” và tỏa sáng được trong đó hay không là điều bạn cần suy nghĩ. Tôi rất tâm đắc với cách nhìn nhận của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung rằng “Ta là sản phẩm của chính mình”, vậy thì cái sản phẩm BẠN ngày hôm nay có cạnh tranh được với những “đối thủ” khác về tư duy, nhận thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng,… hay không? Đối với đồ ăn thì người ta cũng ráng suy nghĩ cho ra những phương cách “mì ăn liền” để đáp ứng với đỏi hỏi ngày càng gắt gao và cạnh tranh của xã hội, nhưng với thành công thì làm sao có thể như vậy được?
Tư duy thứ hai là tư duy đòi hỏi. Các bạn đòi hỏi nhiều quá, nhiều hơn những gì các bạn bỏ ra. Các bạn sinh viên đa số đều rất tự tin về kiến thức của mình, đó là con dao hai lưỡi. Tự tin là tốt, nhưng tự tin bao nhiêu thì cần phải nỗ lực chui rèn bản thân không ngừng. Các bạn đang dán cái mác “ĐẠI học” quá lớn vào mình để kết luận rằng kiến thức đã đủ cho công việc và mình có quyền đòi hỏi công ty phải trả mức lương tương xứng với 4 năm dùi mãi kinh sử trên ghế nhà trường. Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường, bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng!
Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được, không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được. Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này.
Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá. Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm. Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng tiếc thành công.
Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn. Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy? Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình. Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân sau khi tốt nghiệp,... Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầu; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ!
Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi?
Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.
By: Vũ Đức Trí Thể

NHÌN SÂU HƠN


Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn. Đây là một trong những câu nói lừng danh của danh thủ bóng chày Yogi Berra. Đây tất nhiên là một diễn đạt rất khéo, nhưng đáng buồn là, có lẽ gần như mọi chuyện lại trái ngược. Hầu như chúng ta nhìn rất nhiều mà chẳng thực sự thấy được bao nhiêu. Thấy có nhiều ý nghĩa hơn là có một thị lực tốt. Đôi mắt chúng ta có thể mở rộng nhưng chúng ta cũng có thể chỉ thấy được rất ít.
Tôi luôn luôn suy ngẫm về hình ảnh thánh Phaolô trong kinh thánh nay sau khi ngài hoán cải. Chúng ta luôn cho rằng thánh Phaolô bị mù vì thị kiến mình thấy, nhưng, theo tôi, bản văn kinh thánh còn ngụ ý xa hơn nữa. Kinh thánh viết rằng Phaolô bò dậy với đôi mắt mở to, nhưng không thấy gì. Điều này không nhất thiết phải là chứng mù thể lý. Có thể ngài thấy được về mặt thể lý, nhưng không thể thấy được ý nghĩa những gì trước mắt mình. Phải có người đến và mở mắt Phaolô, không phải chỉ để ngài lại có thể nhìn thấy về mặt thể lý, nhưng đặc biệt là ngài có thể thấy sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhìn thấy, thực sự thấy, mang nhiều nghĩa hơn là có đôi mắt lành lặn về thể lý và mở to. Chúng ta tất cả đều thấy vẻ ngoài của sự vật sự việc, nhưng cái bên trong ẩn dưới đó, thì không tự động mà thấy được.
Ví dụ như, chúng ta thấy điều này trong các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần làm phép lạ chữa lành. Ngài chữa lành người què, người điếc, người câm, người cùi, và hai phụ nữ vì các lý do khác nhau mà không thể mang thai. Điều quan trọng phải thấy nơi những phép lạ khác nhau này, là hầu như luôn có có một sự gì đó cao hơn sự chữa lành thể xác. Chúa Giêsu đang chữa lành cho người ta theo một cách thâm sâu hơn, ngài đang chữa lành người què để họ có thể bước đi trong tự do và phụng sự Thiên Chúa . Ngài chữa lành người điếc để họ có thể nghe thấy Tin mừng. Ngài chữa lành người câm để họ có thể mở miệng chúc tụng tôn vinh. Và Ngài chữa lành những người son sẻ để họ có thể đem sự sống mới sinh sôi.
Chúng ta thấy điều này gần như rất rõ ràng những khi Chúa Giêsu chữa lành những người mù. Ngài cho họ không chỉ là cái nhìn thể lý, ngài mở mắt họ để họ có thể nhìn sâu hơn. Nhưng đây chỉ là một hình tượng. Làm sao giải nghĩa cho thấu đáo đây? Làm sao ân sủng và giáo huấn của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhìn một cách sâu sắc hơn đây? Tôi xin đưa ra một số gợi ý:
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua những gì quen thuộc đến nhìn qua sự kinh ngạc kỳ vỹ.
G.K Chesterton từng khẳng định rằng sự quen thuộc là ảo ảnh lớn nhất và bí mật cuộc đời là học biết nhìn vào những gì quen thuộc cho đến khi chúng trở lại thành không quen thuộc. Chúng ta mở đôi mắt mình hướng đến chiều sâu khi mở lòng mình ra với kinh ngạc kỳ vỹ.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua hoang tưởng và tự vệ đến nhìn qua sám hối và vun đắp.
Không ngẫu nhiên khi lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong các Phúc âm tóm lược là từ ‘sám hối’ một từ đối lập với ‘hoang tưởng’. Chúng ta mở mắt mình ra hướng đến chiều sâu, khi chúng ta chuyển vần từ tư thế tự vệ đến một tư thế vun đắp.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua sự ghen tỵ đến nhìn qua sự ngưỡng mộ.
Nhận thức của chúng ta trở nên méo mó bất kỳ lúc nào chúng ta đi từ trạng thái hạnh phúc của ngưỡng mộ đến trạng thái bất hạnh của ghen tỵ. Tầm nhìn của chúng ta được thoáng đãng rõ ràng khi chúng ta vui mừng trong ngưỡng mộ.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua chua cay đến nhìn qua đôi mắt được thanh luyện và mềm dịu bởi thương tâm.
Cội rễ của chua cay là thương tích và cách để thoát khỏi chua cay là thương tâm. Nước mắt gột sạch tầm nhìn của chúng ta bởi nước mắt làm mềm đi trái tim bị chai cứng bởi tổn thương.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua ảo tưởng và ái kỷ đến nhìn qua cảm kích và cầu nguyện.
Một trong những chuyển vần then chốt trong đời sống tâm linh của chúng ta là sự chuyển vần từ ảo tưởng sang cầu nguyện, một chuyển biến tận cùng giải thoát chúng ta khỏi mong muốn nén vào bản thân mình tất cả những gì đẹp đẽ, nhưng biết cảm kích vẻ đẹp vì chính nó mà thôi. Chúng ta chỉ có thể thấy và cảm kích vẻ đẹp khi ngừng ham muốn nó.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua tính toán đến nhìn qua sự chiêm ngắm.
Khát khao muốn được có vị thế khiến chúng ta nhìn ra thế giới với đôi mắt khắc khoải, bất mãn. Chúng ta chỉ biết để tâm và thấy được sự phong phú của thời khắc hiện tại khi sự bất an trong chúng ta được xoa dịu làm thinh bởi cô tịch.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua giận dữ đến nhìn qua sự tha thứ.
Không một điều gì làm hoen ố tầm nhìn của chúng ta cho bằng cơn giận. Nó là thứ bệnh gây suy nhược nhất với mọi nhãn cầu. Và không điều gì tẩy sạch tầm nhìn của chúng ta cho bằng tha thứ. Không một ai mang ác cảm trong lòng mà lại nhìn cho công thẳng được.
• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua dục vọng và thèm khát đến nhìn qua lòng biết ơn.
Dục vọng và thèm khát bóp méo cái nhìn của chúng ta. Lòng biết ơn phục hồi cái nhìn đó. Lòng biết ơn cho cái nhìn thấu suốt. Người có lòng biết ơn nhất mà bạn biết, có cái nhìn tốt nhất về tất cả những người mà bạn biết.
“Tình yêu là đôi mắt!” Vậy nên, lời khôn ngoan này của các nhà thần nghiệm trung cổ, có lẽ nên được thêm vào tự điển y khoa về khoa đo thị lực hiện thời. Nhìn sao cho thẳng, cho đúng, cho thật, có nhiều chiều kích hơn chúng ta thường tưởng.
Rev. Ron Rolheiser, OMI

TẾT, CHO NHỮNG AI CÒN MẸ



Những ngày cuối năm, khi đang ngang con đường đó, tôi vẫn thấy chiếc xe đẩy, đựng lỉnh kỉnh những những món đồ vá – sửa xe của chị, người đàn bà mà tôi có dịp trò chuyện trong một lần xe cán đinh, vô tình ghé lại.
Sài Gòn, trung tâm thành phố những ngày thường, cái góc nhỏ của chị vốn đã bé mọn, vào những ngày vắng vẻ của ai về nhà nấy đón năm mới, cái góc nhỏ ấy lại càng lẻ loi hơn. Chị Đa, tên của người đàn bà làm nghề vá – sửa xe ấy, nhiều năm đã không còn về quê nữa. Chị chọn đón Tết trong căn phòng trọ thuê ở tận quận Tân Phú, xa nơi chị làm việc đến gần 15 cây số đường đi, mỗi ngày.
Một trưa nắng đến điên người, xe lại bị xì bánh, tôi đẩy xe đến góc đường đó và được chị mời chào vá xe. Ngồi nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của người đàn bà giấu mình vào khẩu trang, nón trùm và áo khoác dày cộm để chống lại cái nắng Sài Gòn, có lẽ ai cũng không khỏi ngạc nhiên vì sao công việc rất ‘đàn ông’ ấy, lại được một phụ nữ đảm đương một cách hoàn hảo như vậy. Trò chuyện mới biết chị Đa đi từ Thanh Hoá vào Nam lập nghiệp từ lúc còn trẻ. Cuộc sống nghèo khổ khiến người chồng bỏ đi lúc chị đang có 2 con nhỏ. Thế là chị thay vào công việc của người chồng để nuôi con. Hơn 15 năm sống ở nhà trọ, vá xe trên vỉa hè, chị chọn vùng đất này là nơi để sông sót và hy vọng.
“Hai đứa con của em giờ vào đại học cả rồi anh ạ”, chị Đa nói. Trong những huyền thoại về sinh tồn, có lẽ những câu chuyện về những bà mẹ vô danh như chị Đa đã lặng lẽ dựng nên những cuộc đời khác, đầy hy vọng cho con cái mình, từ những giọt mồ hôi cần lao và kiên nhẫn, là điều bình thường và kỳ diệu nhất. Nhưng ít có sách vở nào nói về họ.
Chị Đa kể rằng chị nhịn không về quê – vì quá đắt đỏ – suốt 15 năm để dành dụm cho hai đứa con đủ tiền ăn học. 15 cái Tết trong đời mình chị đón giao thừa cùng hai đứa con trong phòng trọ với những câu chuyện về miền quê chôn nhau cắt rốn của mình. 15 cái Tết nhìn con cái lớn dần và chào mẹ để bước ra đi chơi với bè bạn, chị lại ngồi một mình, ăn những bữa cơm ngày Tết một mình.
Không ai dạy cho chị Đa làm mẹ. Cũng như không ai dạy cho hàng triệu người phụ nữ Việt Nam làm mẹ. Ngôi trường bí ẩn nào đó của thiên nhiên đã ban tặng cho những người mẹ bài học về tình yêu thương bao la, sự chắt chiu qua khốn khó và dựng nên từng thế hệ. Chị Đa làm tôi nhớ mẹ mình lắm. Nhớ những những ngày Tết mà khi còn mẹ, chốc chốc tôi cứ muốn quay về nhà để xem mẹ ra sao.
Sài Gòn hay Hà Nội, những ngày chuẩn bị đón giao thừa, hàng hàng lớp lớp người khăn gói lên đường về nhà, về quê. Chắc rất nhiều người trong đó, thật ra là về với mẹ. Cái Tết ở Việt Nam nhiều năm nay, mỗi lúc một thiếu đi nhiều phong tục. Tết chỉ còn là một ngày nghỉ dài hơi. Tết có thể là cuộc chạy trốn ngày thường đô thị để tìm về sự giản dị của cha, của mẹ.
Nhưng không phải người mẹ cũng được niềm vui như vậy. Đôi vợ chồng bạn quen với tôi, từ khi làm ăn khấm khá, vài năm trước đã tham gia trào lưu mới của xã hội, là xách vali đi đón Tết ở nước ngoài. Ngày mùng một, họ gọi điện thoại về a lô chúc Tết mẹ. Bà mẹ già cười trong điện thoại mà mắt buồn buồn. Tôi nghĩ đến những đứa con của chị Đa. Chị cũng thúc mấy đứa nhỏ đi chơi để hội nhập đời sống của chúng – năm chỉ có một lần. Nhưng bữa ăn một mình, chắc rồi chị cũng buồn hiu.
Những năm mẹ tôi còn sống, sức yếu rồi nhưng bà cứ lụm cụm, lén ra sân ra tuốt lá mai, vì sợ tôi thấy rồi ngăn. Bà cứ làm những chuyện mà tôi cứ nghĩ là chỉ làm mệt người, do chỉ là thói quen ngày Tết như gọi người đi đánh bóng lại bộ lư đồng, mua ít hoa, nhắc mặc đồ mới. Ấy vậy mà khi mẹ không còn, thiếu những điều tưởng chừng như vặt vãnh ấy, Tết đi đến mọi nơi nhưng không còn ghé vào nhà tôi nữa. Mẹ như một mùa xuân bí mật mà thượng đế đã ban tặng cho mỗi gia đình, mà khi không còn, sự cô quạnh và tiếc nuối sẽ đeo đẳng đến tận cuối đời, nhắc lại trong từng giấc mơ khắc khoải.
Chắc những đứa con của chị Đa còn chưa biết đủ về món quà mà thượng đế ban tặng cho chúng. Hay đôi vợ chồng bạn tôi vẫn chưa tìm thấy được cái Tết thật sự với mẹ mình. Tôi nhìn thấy nhiều cái Tết mà bạn bè mình kể nôn nao được về với Cha, Mẹ… dù đó là nơi vẫn còn thiếu con đường nhựa, chưa có những cây cầu đủ cho chiếc xe đạp chạy qua. Đó là những chuyện kể ấm áp lòng người, mà chỉ nói với nhau thôi, cũng đã nghe xôn xao như Tết đến.
Anh bạn nhà văn của tôi đã hơn 50 tuổi, không cần Tết đến, mỗi khi nhớ mẹ là anh leo lên chiếc xe 3 bánh dành cho người khuyết tật của mình, đi cả trăm cây số để về nhà, đôi khi chỉ đề rờ vào mẹ mình, leo lên võng nhìn mẹ qua lại. Một người bạn khác của tôi, sống bằng nghề ca sĩ và hoạt náo, có đêm gần Tết bỗng gọi điện thoại để tâm sự vì không còn biết nói với ai, rằng anh ta nhớ mẹ quá, rồi khóc rưng rức trong điện thoại. Khi còn mẹ, Tết cho mỗi người cảm giác là trẻ con, bất luận bao nhiêu tuổi. Khi mất mẹ rồi, Tết là cảm giác phải làm một người lớn một mình, mới héo hắt làm sao.
Năm nay, tôi không thấy đôi vợ chồng người bạn quen chuẩn bị vali để đón xuân ở nơi khác nữa. “Mẹ yếu rồi, nên năm nay ở nhà thôi”, người chồng nói như vậy. Tự nhiên lòng tôi mừng như trẻ nhỏ. Vậy là bà cụ được một năm mới bên con cháu đề huề. Dẫu muộn, nhưng rồi xuân đã thật sự ghé đến ngôi nhà đó. Tôi cũng ước hai đứa con chị Đa sẽ ở nhà, ăn bữa cơm với mẹ nhiều hơn. Rồi sẽ có lúc chúng bừng tỉnh và hiểu rằng không có tượng đài nào vĩ đại hơn người mẹ với đôi tay chai sần ấy, cho chúng được ôm chầm lấy từng ngày. Thế gian này, nếu ai cũng thương và nhớ đến mẹ mình, thì đó là lúc cõi hiền lương phủ sáng mặt người.
Không còn mẹ, chẳng còn ai nhắc chuyện đi tuốt lá mai hay đem bộ lư đồng đi đánh bóng. Tết ghé qua ngôi chùa nhỏ, nhìn những phần thạch táng cao như núi, trong đó có mẹ, sao mà mọi thứ nguy nga và nhạt nhẽo đến vậy. Khói hương chỉ nhắc Tết và những ngày tháng đẹp nhất đã đi qua. Người đàn ông đứng gần đó, cứ rì rầm nói chuyện với người đã khuất như một điều kỳ lạ và dịu dàng. Tết không có quá khứ, không có kỷ niệm về Cha, về Mẹ, chắc chỉ là những mùa thụ hưởng của bản năng, vô vị.
Mồng một Tết. Hãy nhớ đốt một nén hương trầm với lòng kính nguyện. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà chúng ta cần níu giữ.


Tình Mẹ

Đây là một câu chuyện có thật về sự hy sinh của một người mẹ trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản. Sau khi trận động đất đã qua đi, khi các nhân viên cứu hộ đến thu dọn ngôi nhà của một người phụ nữ trẻ, họ nhìn thấy thân thể cô ấy qua các vết nứt. Nhưng cách tạo hình cơ thể của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và có một vật gì đó được hai tay của cô đỡ lấy. Ngôi nhà bị sụp và đổ ập lên lưng và đầu cô.
Người đội trưởng đội cứu hộ đã rất khó khăn khi luồn tay mình qua khoảng cách hẹp trên tường để chạm tới cơ thể của người phụ nữ. Anh ấy đã hy vọng rằng người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Nhưng, cơ thể lạnh và cứng của cô nói với anh rằng, cô ấy chắc chắn đã qua đời.
Đội cứu hộ rời khỏi ngôi nhà và tìm kiếm tại những toà nhà sụp đổ khác. Nhưng không hiểu sao, người đội trưởng dường như bị một lực hút kéo trở lại căn nhà sụp đổ của người phụ nữ đã chết. Một lần nữa, anh quỳ xuống, và lần tìm qua những khe nứt hẹp một chút không gian dưới cơ thể đã chết. Rồi đột nhiên, anh hét lên đầy phấn chấn : "Một đứa bé ! ! ! ! Có một đứa bé !”.
Cả đội cùng nhau cẩn thận bỏ từng cái cọc trong đống đổ nát xung quanh xác người phụ nữ. Có một bé trai 3 tháng tuổi được bọc trong một tấm chăn hoa ngay bên dưới xác người mẹ. Người phụ nữ rõ ràng đã thực hiện một hành động hy sinh cuối cùng để cứu con trai mình. Khi ngôi nhà của cô rơi xuống, cô đã dùng cơ thể của mình để làm tấm chắn bảo vệ con trai mình. Cậu bé vẫn ngủ một cách yên bình khi đội trưởng đội cứu hộ nhấc bé lên.
Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khoẻ cậu bé. Sau khi ông mở tấm chăn, ông nhìn thấy một chiếc điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn văn bản trên màn hình, nói rằng, "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con" ...
Chiếc điện thoại này đã đi từ bàn tay này đến bàn tay khác và qua bàn tay khác. . .Tất cả những người đọc tin nhắn đều đã khóc. "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng ... mẹ rất yêu con ...”.
Tháng 11 lại về đem lại cho chúng ta một chút tâm tình tri ân tình cha, tình mẹ. Một tình yêu bao la như trời bể mà cha ông ta vẫn nói rằng:
"Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".
"Biết thờ song thân", thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tảo tần nuôi con của mẹ:
"Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Thế nên, nếu so sánh công đức của cha mẹ như non cao cũng chưa xứng đáng. Tình cha tình mẹ còn vượt xa không gian và thời gian. Có thể nói tình cha tình mẹ mãi không già luôn tươi trẻ trong cuộc đời của con. Cha mẹ có thể không để lại cho con gia tài lớn lao hay những công trình vĩ đại nhưng cha mẹ luôn để lại cho con một tình yêu thương vô ngần dành cho con. Vì thế mà có ai đó nói rằng:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Tình cha mẹ thương con là một tình yêu không biên giới. Một tình yêu vượt qua mọi toan tính vật chất để có thể bảo vệ che chở đời con. Đó là một tình yêu to lớn đầy hy sinh cho đàn con khôn lớn:
Mây trời lòng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo xóm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Lá cây trong rừng dẫu nhiều cũng không thể sánh bằng công ơn của cha mẹ. Sao trên trời thật khó đếm, nhưng công ơn của cha mẹ lại càng khó đếm hơn những vì sao:
"Ðố ai đếm được lá rừng,
Ðố ai đếm được mấy từng trời cao
Ðố ai đếm được những vì sao,
Ðố ai đếm được công lao mẫu từ".
Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, sinh lực hao mòn, nặng nhọc gánh chịu, làm sao ta có thể quên được tình mẹ bao la như biển cả ấy:
"Nhớ ơn chín chữ cù lau
Ba năm nhủ bộ biết bao nhiêu tình".
Tình ở đây là tình mẹ thương con. Tình thương ấy thật bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:
"Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời".
Vậy, đổi lại sự hy sinh của tình cha tình mẹ, các ngài cần gì nơi chúng ta? Chắc chắc không phải là tiền bạc, vì tiền bạc các ngài dành giụm để trao lại cho chúng ta. Chắc chắc đó không phải là danh vọng, vì tuổi gìa chẳng còn ham muốn những tham sân si của dòng đời. Các ngài cần tình yêu của chúng ta qua sự chăm sóc, thăm nom của chúng ta khi các ngài còn sống. Và khi các ngài đã qua đời, đó chính là lời cầu nguyện của chúng ta dành cho các ngài.
Người phụ nữ Nhật trước khi chết chỉ để lại một thông điệp cho con chính là: “con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con" ... Đó chính là thông điệp của tất cả các đấng sinh thành kẻ còn sống cũng như người đã qua đời đang nói trong con tim mỗi người chúng ta. Chúng ta được sinh ra trong tình cha tình mẹ, được lớn lên trong tình thương đó và tình thương đó mãi mãi theo chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời. Đó cũng là bổn phận mà chúng ta phải báo hiếu qua hai chữ yêu thương. Yêu thương thể hiện của lòng thảo kính vâng phục các ngài. Yêu thương thể hiện qua chữ hiếu luôn phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Yêu thương thể hiện qua lời cầu nguyện ngày đêm dành cho những người đã qua đời.
Ước gì mỗi người chúng ta từng được cưu mang trong tình yêu của cha mẹ thì hãy sống sao cho tròn chữ hiếu. Hãy biết tận dụng tháng 11 để tích luỹ ơn ích thiêng liêng mà cầu nguyện cho các ngài. Hãy làm việc bác ái, hy sinh và cầu nguyện giúp các ngài vượt qua cuộc thử thách trước toà phán xét của Thiên Chúa. Ước gì những hy sinh và lời cầu nguyện chân thành của chúng ta là lễ vật đẹp nhất để dâng về Thiên Chúa và dâng kính tổ tiên. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền



Tuổi già

                                                                                                           
Sinh ra vào đời, con người dần dần làm quen với cuộc sống với bao điều mới lạ. Khi lớn lên, con người cùng chung tay nhau đắp xây thế giới bằng nhiệt huyết đầy sức trẻ của mình. Đến khi sức khỏe không còn cho phép nữa, con người lui về nghỉ ngơi, nhường sân chơi cho thế hệ nhỏ hơn. Tuổi già đến, đấy là lúc người ta được mời gọi để nghỉ ngơi sau một chặng đường dài lao nhọc vất vả.

Chúng ta luôn có một chút sợ hãi khi nghĩ đến tuổi già của mình, cái tuổi báo hiệu cho ta biết ngày tàn của sự sống. Như ánh tà dương luôn khiến ta cảm thấy bồi hồi, buổi xế chiều của cuộc đời cũng làm ta không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc. Chẳng ai muốn mình già đi, nhưng tuổi già vẫn cứ đến như một định luật của thời gian, mang đi của ta tất cả. Sức sống của tuổi trẻ, sự hăng hái của tuổi trẻ, sức sáng tạo… tất cả đều có phần mai một trong ta. Dù có sang trọng mấy, danh vọng mấy, tài hoa mấy… cũng sẽ đến lúc ta chẳng còn hăm hở gì với nó vì phải chống chọi với bệnh tật, với sự suy yếu của cơ thể. Sinh, bệnh, lão, tử. Ta biết rõ rành rành tiến trình này của tự nhiên. Tuổi già báo cho ta biết về một đoạn đường dài sắp chấm hết và đưa ta về với một cõi xa xăm, mơ hồ nào đấy. Vô định mà cũng lắm bâng khuâng!

Người già là người đã đi qua một chặng đường dài của cuộc sống, đã đối diện với không biết bao nhiêu những vui buồn của kiếp nhân sinh. Họ đã gặp không biết bao nhiêu con người khác cùng đi trên chuyến hành trình, có khi thoáng chốc, có lúc lâu bền. Họ đã đi qua không biết bao nhiêu phong ba bão táp của những nghịch cảnh, đã được tôi luyện bằng ngọn lửa của gian nan, vất vả. Có thể họ có một thời vấp ngã, nhưng họ đã đứng lên và làm lại cuộc đời, tiếp tục vun đắp và cống hiến cho thế giới bằng tài sức của họ. Được mài dũa, được trui rèn, giờ đây họ như một cây cổ thụ sừng sững hiên ngang, cành lá sum suê với bao nhiêu kinh nghiệm, che phủ cho lớp lớp cây con đang chập chững vươn lớn. Đôi bàn tay của họ đã lấm lem bao cực nhọc để mưu sinh cho chính mình, và cho gia đình. Đôi bàn chân họ đã đi qua biết bao ngã đường trên thế giới. Đôi mắt họ đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đời, tình huống, cả buồn lẫn vui. Đôi tai của họ đã nghe tỷ tỷ câu chuyện buồn vui nơi nhân tình thế thái. Người già luôn được xem là kho tàng của những bài học và kinh nghiệm quý báu, vốn là kết quả của những hy sinh, đau khổ, nước mắt của chính họ.

Sinh ra vào đời, con người dần dần làm quen với cuộc sống với bao điều mới lạ. Khi lớn lên, con người cùng chung tay nhau đắp xây thế giới bằng nhiệt huyết đầy sức trẻ của mình. Đến khi sức khỏe không còn cho phép nữa, con người lui về nghỉ ngơi, nhường sân chơi cho thế hệ nhỏ hơn. Tuổi già đến, đấy là lúc người ta được mời gọi để nghỉ ngơi sau một chặng đường dài lao nhọc vất vả. Đấy là tuổi người ta không còn phải bận tâm đến chuyện mưu sinh, đến những tính toán, nhưng chỉ để tâm hồn được thư thái thong dong, để tinh thần được hòa mình với thiên nhiên, với mây trời gió biếc. Vòng đời như xoay ngược, tuổi già cũng hệt như tuổi thơ, họ cần người khác nâng niu, chiều chuộng, muốn được quan tâm nhiều hơn, hỏi han nhiều hơn. Khi thấy cuộc đời mình sắp tàn đi như ngọn đèn leo lét, họ ước mong nhìn thấy những em bé đang chập chững bước đi, họ hạnh phúc khi nhìn những búp măng non đang lớn, vì nơi ấy, họ không thấy sự sống tàn lụi, nhưng được thông chuyển cho các thế hệ sau. Ánh mắt của người ta luôn là ánh chất chứa bao nhiêu dòng cảm xúc, họ nhiều về quá khứ, và đang đợi chờ một lương lai cách chia nào đó sẽ đến vào một ngày không xa.

Thật phúc thay cho những người già nào ở cái tuổi xế chiều mà được hưởng vui vầy bên con cháu. Sẽ không có một niềm an ủi nào hơn thế. Bầu khí gia đình thân yêu sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những giá băng trong lòng họ. Đã một đời hy sinh, nay họ xứng đáng được vui hưởng tuổi già của mình. Trong gia đình, họ sẽ trở thành một chỗ dựa cho thế hệ trẻ, là nguồn vui và cũng là kho tàng những bài học khôn ngoan trong cung cách hành xử giữa đời.

Thế nhưng, không phải người già nào cũng có được diễm phúc như thế. Vẫn còn đó những cụ già bị con cái đem vào nhà dưỡng lão chẳng bao giờ ghé thăm. Vẫn còn đó những cụ già bị con cái lợi dụng, lừa gạt chiếm đoạt hết tài sản rồi bỏ mặc chẳng quan tâm. Còn biết bao cụ già, tuổi đã gần đất xa trời, vẫn phải khom lưng gánh hàng rong đi bán. Còn biết bao cụ già ngồi lê lết bên vệ đường, ngửa tay xin chút lòng xót thương của thế nhân bạc bẽo. Cả một đời đơn côi, đến cái tuổi đáng lẽ phải được nghĩ ngơi, các cụ vẫn phải bôn ba xuôi ngược vì miếng cơm manh áo. Có những cụ phải chịu hoàn cảnh như thế vì số phận lênh đênh, nhưng cũng có cụ là hậu quả của những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, chỉ biết quan tâm đến lợi ích của riêng mình.

Giờ đây, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những người già khắp nơi trên thế giới này. Trong đó có cả ông bà cha mẹ của chúng ta. Sẽ không thể có ta ngày hôm nay nếu như không có họ. Công sức, mồ hôi, nước mắt của họ đã góp phần làm nên thế giới mà ta đang được hưởng dùng đây. Xin Chúa trả công cho họ xứng với những gì họ đã hy sinh cho chúng ta. Cầu nguyện cho người già cũng là cầu nguyện cho thế hệ trẻ chúng ta luôn biết kính trọng và giúp đỡ họ, để họ có được chút thảnh thơi yên vui, trước khi về với cuộc sống khác.
Tác giả bài viết: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Dạy con...

“Nếu cứ ôm con vào lòng, lúc nào cũng ru ngủ con thì suốt đời con cũng chỉ là một con vịt con mà thôi!

Trước giờ, tôi chưa bao giờ ca thán chuyện vụng về của con, cho đến một hôm con xin phép đưa bạn về nhà nấu nướng để liên hoan cuối năm học. Cả buổi trên công ty, điện thoại của tôi réo liên tục vì những câu hỏi của con. Nào là: “Mẹ ơi, cháo vịt thì nấu như thế nào ạ? Cho cả con vịt vào nồi cháo và ninh nhừ ạ?”. Một lúc sau con lại hỏi: “Phải bỏ những rau gì vào nồi cháo vịt để tụi con đi mua ạ?”, rồi “Mẹ ơi, chúng con cho thịt vào chảo để rán, nhưng không biết khi nào thì thịt chín ạ?”. Hướng dẫn chi tiết cho con qua điện thoại, nhưng rồi một lúc sau điện thoại lại vang lên: “Mẹ ơi, bạn Hiền lớp con rán thịt bị cháy đen rồi, giờ phải làm sao?”. Đến nước này tôi đành gác công việc qua một bên, tất tả chạy về nhà, nhìn “thành quả” bếp núc của con và các bạn mà chỉ biết lắc đầu.
Có một cháu trong lớp nhăn nhó: “Cháu bảo mua đồ ăn sẵn cho nhanh, nhưng chúng nó không chịu. Giờ thì chỉ còn nồi cháo vịt thôi cô ạ”. Tôi nhìn nồi cháo vịt của các con còn nguyên đôi chân vịt chưa được lột mà ngán ngẩm, thầm nghĩ: “Tại sao lớp con có 16 bạn nữ mà không bạn nào biết cách nấu nồi cháo vịt cho ra hồn?”. Đã vậy rổ rau còn bị các con rửa nát bét, chả còn gì mà ăn.
Tôi giúp các con bắt đầu lại bữa tiệc liên hoan, cùng ra chợ mua đồ ăn, chỉ dẫn cách nhặt rau, cách rửa rau để rau không bị nhàu nát, cùng rán thịt. Vừa làm vừa chỉ các con từng chút một. Bữa liên hoan hôm ấy của các con bắt đầu muộn hơn dự tính.
Cho đến lúc ấy, nhìn các con lúng túng, vụng về với bữa liên hoan, dù cháu nào cũng sắp sửa bước chân vào đại học, tôi thấy giật mình. Thú thật, từ trước đến nay đến bộ quần áo của mình mà con cũng chưa phải giặt, một bữa cơm đơn giản nhưng con cũng chưa từng phải đụng tay đến. Tôi băn khoăn, lo lắng con sẽ đối mặt thực tế cuộc sống ra sao khi phải rời xa vòng tay của cha mẹ?
Bữa liên hoan thất bại của các con đã giúp tôi nhận ra rằng: nếu cứ ôm con vào lòng, lúc nào cũng ru ngủ con, thì suốt đời con cũng chỉ là một con vịt con mà thôi. Nghĩ lại, mỗi khi con có ý định làm gì đấy, tôi đều gạt đi: “Con mà làm được cái gì?”. Nói đúng hơn là tôi không tin con có thể trưởng thành, có thể làm nổi việc gì nên hồn. Và rồi con cứ phải mặc chiếc áo chật chội như vậy, lỗi này do chính phụ huynh chúng tôi!
Có nên dạy con “tránh voi...”?
Tôi có người bạn kể rằng thường khuyên con (đang học lớp 8) phải biết “thủ”: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, cứ nhịn cho nó lành!”. Con đi du lịch, bạn tôi lại sốt sắng dạy con biết “né”: “Đi ra ngoài phức tạp lắm, tốt nhất là con đừng có lấc cấc. Dù mình có đúng nhưng nếu cãi vã, gây gổ chỉ thiệt thân thôi. Thời buổi này to mồm chỉ có nước thất bại con ạ”. Chính vì thế đứa con của chị bạn tỏ ra rất rụt rè và gần như cái gì cũng không biết làm (theo lời mẹ cháu nói). Nhưng rồi chị bạn lại chép miệng: “Ôi, dù sao như thế lại hóa hay vì con được an toàn, chứ hở ra là hư hỏng hết”.
Khi mà đứa con mãi như lá ngọc cành vàng, không được va vấp, không được đối thoại thẳng thắn với mẹ cha, với thầy cô, lúc nào lời nói của con cũng chỉ là của đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch” thì vô tình cha mẹ đã không cho con được lớn, không cho con được trưởng thành.
Thực tế ở nhiều gia đình, với cha mẹ thì con chỉ biết im lặng lắng nghe, cứ nói lại là “cãi lời”, là “biện minh”, là “hư, hỗn”, không cho con được giải thích. Ở trường, không ít thầy cô thì luôn cho rằng mình đúng, không phải hạ mình xuống xin lỗi học trò (nếu có sai sót). Từ đó, khi không được phản biện qua lại thì đứa trẻ dần mất đi cái tôi cơ bản.
Hãy cho con được “hư đúng lúc, hỗn đúng chỗ”, hãy buông tay con ra để con trưởng thành. Sự dũng cảm của một đứa trẻ được xây dựng từ chính việc phản biện như thế.
Trước nhất, cha mẹ phải biết tôn trọng ý kiến của con, không thể lúc nào cũng gạt phăng lời con nói theo tư tưởng “trứng đừng đòi khôn hơn vịt”. Thầy cô cũng nên học cách xin lỗi học trò nếu mình sai, thay vì hơi tí là ghi vào sổ đầu bài, là hạ hạnh kiểm... Người lớn đừng chỉ biết dạy trẻ con “thủ” mà phải tạo môi trường để các em được đối mặt với thử thách, được lĩnh hội những kỹ năng sống, bắt đầu từ việc tự bảo vệ mình.