Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Lịch sử thành lập Nha Trang - Khánh Hoà


( Tài liệu tham khảo )

Đất Khánh Hòa xưa thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Sau bị Tần, Hán và Chiêm Thành chiếm. Chiêm Thành gọi vùng này là Kauthana.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn bành trướng lãnh thổ phía Nam. Năm 1653, vua Chiêm Thành là Bà Thấm đem quân quấy nhiễu Phú Yên, bị chúa Nguyễn Phúc Tần đánh bại và phải rút về phương Nam. Chúa Nguyễn lấy sông Phan Lang làm ranh giới và chia vùng đất mới là Thái Khang và Diên Ninh. Năm 1690, thời chúa Nguyễn Phúc Toàn, Thái Khang đổi là Bình Khang.



Năm 1742 chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Năm 1744, phủ Diên Khánh và Bình Khang gọi là dinh Bình Khang. Năm 1775, quân Tây Sơn do anh hùng Nguyễn Huệ chỉ huy đánh tan quân Tống Phú Hợp của chúa Nguyễn Phúc Thuần, chiếm lại vùng Diên Khánh, Bình Khang. Mùa Hè năm 1781, Nguyễn Ánh sai các tướng Tôn Thất Dụ, Tống Phúc Thiêm, Nguyễn Hữu Thụy, Châu Văn Tiếp đem ba vạn quân, 80 hải thuyền, ba đại chiến thuyền và ba tàu Bồ Đào Nha theo gió Nồm ra đánh Bình Khang, nhưng bị bộ binh của anh hùng Nguyễn Huệ đánh tan tành. Quân Nguyễn Ánh tháo chạy về Gia Định.

Đời Gia Long đổi dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa. Năm 1808, dinh này đổi thành trấn. Đến năm Minh Mạng thứ 12, trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa.

Thời Pháp thuộc, đồng bào Thượng tại Khánh Hòa tham gia phong trào kháng chiến rất Đông và giúp đỡ nghĩa sĩ Cần Vương thiết lập nhiều căn cứ kháng cự tại miền núi. Năm 1887, ông Gia đứng lên khởi nghĩa, lấy dãy núi Vọng Phu làm căn cứ và lập nhiều kho vũ khí trên vùng có đồng bào Thượng sinh sống.

Image

Đầu thế kỷ 20, Nha Trang mới chỉ là những làng chài heo hút dọc theo cửa sông Cái. Trước năm 1924, vùng đất mang địa giới hành chính Nha Trang ngày nay còn thuộc huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1924, vua Khai Dinh ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang. Lúc hình thành, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài.

Ngày 15 tháng 3 năm 1944 , vua Bảo Đại ra đạo dụ lấy thêm phần đất làng Phước Hải của huyện Vĩnh Xương sáp nhập vào thị trấn Nha Trang, đổi làng thành phường, nâng thị trấn lên thành thị xã. Thị xã Nha Trang lúc đó có 5 phường: phường đệ nhất (Xương Huân), phường đệ nhị (Phương Câu), phường đệ tam (Vạn Thạnh), phường đệ tứ (Phương Sài), phường đệ ngũ (Phước Hải).

Sau ngày 9 thang 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp cho chuyển cơ quan hành chính tỉnh Khanh Hoa về Nha Trang, tách phần đất Diên Khánh ngày nay ra khỏi huyện Vĩnh Xương. Huyện Vĩnh Xương còn lại phần đất của phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải và các xã ngoại thành Nha Trang hiện nay. Toàn huyện chia làm 2 tổng Sơn Hà và Xương Hà.

Image
Hòn Yến

Ngày 28 tháng 8 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra đạo dụ số 50 bãi bỏ quy chế thị xã, tách Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.

Ngày 20 tháng 7 năm 1970, tách 2 xã Nha Trang Đông và Nha Trang Tây ra khỏi Vĩnh Xương và lấy Ngọc Hội, Ngọc Thảo, Lư Cấm xã Vĩnh Ngọc của quận Vĩnh Xương thành lập thị xã Nha Trang.

Năm 1972, thị xã Nha Tramg được chia làm 2 quận. Quận I có 5 phường là: Vĩnh Thái, Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp, Vạn Thạnh, Duy Tân (Xương Huân cũ). Quận II gồm 6 phường là: Phương Sài, Tân Phước, Tân Lập, Phước Hải, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên.

Về phía chính quyền cách mạng, tháng 10 năm 1950, do yêu cầu của phong trào cách mạng, huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang được sáp nhập thành liên huyện thị Vĩnh Trang.thêm các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, các ấp Vĩnh Xuân xã Vĩnh Thái, Vĩnh Điềm Hạ xã Vĩnh Hiệp.

Trước năm 1975, tỉnh Khánh Hòa có các quận Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Dương, Vĩnh Xương, Diên Khánh, Cam Lâm và thị xã Cam Ranh.

Ngày 2 tháng 4 năm 1975, tỉnh Khánh Hòa đổi chế độ. Ngày 6 tháng 4 năm 1975 Ủy ban quân quản tỉnh Khánh Hòa tách Vĩnh Trang thành 3 đơn vị hành chính. Vùng đất thị xã Nha Trang trước đây chia làm 2 quận (Quận I và Quận II) và huyện Vĩnh Xương cũ đổi thành quận Vĩnh Xương.

Tháng 9 năm 1975, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa quyết định hợp nhất Quận I và Quận II, lấy thêm các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước của quận Vĩnh Xương thành lập thị xã Nha Trang.

Tháng 4 năm 1976, 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất lại thành tỉnh Phú Khánh . Phần đất của quận Vĩnh Xương nhập vào quận Diên Khánh làm thành huyện Khánh Xương.

Ngày 30 tháng 3 năm 1977, theo Quyết định số 391-QĐ/CP của Hội đồng Chính phủ, lấy 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương cắt ra khỏi huyện Khánh Xương nhập vào thị xã Nha Trang. Đồng thời nâng thị xã Nha Trang lên thành thành phố trực thuộc tỉnh Phú Khánh.

Ngày 1 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thành phố Nha Trang trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Hiện tại dân số Nha Trang vào khoảng 300.000 người và ước tính sẽ tăng lên khoảng 500.000 đến 600.000 người vào năm 2020. Thành phố có thêm nhiều khu đô thị mới ở phía Nam như Hòn Rớ, phía Bắc như Vĩnh Thái và kế hoạch xây khu đô thị phía Tây.

Tên gọi NHA TRANG



Có một số cách giải thích nguồn gốc tên gọi Nha Trang. Cách giải thích thuyết phục nhất là: Nha Trang phỏng theo âm tiếng Chăm Ýa Trang (Ýa = nước, nguồn nước, còn dùng để chỉ sông, suối; Trang = cây lau) nghĩa là sông Lau. Sông Lau chính là sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay.

Image
Hòn Chồng

Theo Bồ Thuận trong Sự tích vua Pô Klong Garai hay là sự tích Tháp Chàm (tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn) thì người Chăm có câu ca: "Ko ýa ru iku ýa trang" (đầu ở Ninh Hòa, đuôi ở Nha Trang) tả cảnh dân chúng đưa chàng Lac về kinh làm vua thành doàn dài dằng dặc như vậy.

Image
Tháp Bà

Một số văn bản tiếng Pháp thế kỷ 18 ghi địa danh Nha Trang là Nhatlang (2 lá thư viết năm 1715 và 1718 của Giám mục Marin gửi các Giám đốc Chủng viện), Natlang (Hồi ký về xứ Đàng Trong, 1744 của Pierre Poivre), Nathlang (thư viết năm 1746 của M. Faure).

Image

Địa danh Nha Trang môn đã xuất hiện trong tập bản đồ Việt Nam có tên gọi là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, do họ Đỗ Bá soạn vào nửa cuối thế kỷ 17, trong tập bản đồ khác mang tên Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vào cuối thế kỷ 17.

Image

Trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Qúy Đôn đã có nhiều tên gọi Nha Trang như đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang...
( Vĩnh Trinh )

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Lượm lặt

Niềm tin (Doansanpham)

Cầu mong (BieuNguyen)

Cẩumong 2 (SungTruong)

Chữ cái (ĐoViet) Triển lãm hoa lan (BaTran) Hoa lan (vynguyen) Hoa tu-líp (DinhCuc) Tu-lip của tấm lòng (ĐoViet) Hoa xương rồng (SinhDo)

Hoa kết thành giầy (EileenCheng) Nghệ thuật chụp ảnh (KimAnh) Hình chụp chuyển mầu (Eileencheng) Hình chụp siêu tốc(DoViet) Hoa nào trái nấy (DoViet) Những cây dị thường (Dotran) Vườn hoa hồng (LeThanh) Thiên nhiên...tuyệt vời (ĐoViet)Thiên nhiên kỷ diệu (SungTruong) Tiếng nói của Trái đất thân yêu! (ĐoViet) Trái đấtsao đẹp thế (VietDo) Vũ trụ(Thoinguyen) Vũ trụ bao la (VietĐo) Cảnh nước bao la (BaTran) Những thác nước (ĐoViet) Dòng sông Danube(ĐangQue) Thế giới muôn mầu (Thoinguyen) Kỳ quan thu gọn (VietDo) Chuyện lạ đó đây (Eileencheng) Las Vegas (SungTruong) Macao(SanPham) e-mail tuyệt vời (ngkbao) Những tác phẩm điêu khắc (ĐoànSan) Điêu khắc trên trứng (EileenCheng) Nghệ thuật muôn vẻ (SinhDo) Nghệ thuật vẽ hình trên thân hình (DoTran) Nghệ thuật vẽ trên bàn tay(DoTran) Tranh Jia Lu(ĐoViet) Nghệ thuật uôn cây thành người và vật (SinhDo) Nghệ thuật xén tỉa cây kiểng (SanPham) Nghệ thuật cây ghép(SinhDo) Picasso (DinhCuc) Tác phẩm Ocampo(TrangTran-KhoiTa) Một hình thành hai (Taopham) Tượng đắp bằng giấy(ĐoViet) Xe hơi bẳng giấy các-tông (DoViet) Kỹ thuật tân kỳ (ĐoViet) Những con đường hiểm nghèo (Thoinguyen) Thành phố ngẩm cổ xưa (Batran) Chợ nối Hoà lan (DoViet) Chùa cọp (BaTran) Sơn Động (LoanPhan)

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

HIỂU ĐỜI – TÂM SỰ TUỔI GIÀ

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày .Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lại một ngày…

Hanh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh” hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu “cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử”. Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.

Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình “Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư”, biết đủ thì lúc nào cũng vui “tri túc thường lạc”.

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thểyên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì khôhg đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu… mọi thứ đều nên “VỪA PHẢI”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham
uống…) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh…) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh….ĐỀU LÀ MUỘN.

Chất lượng sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách tư duy : Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

“Chơi ” là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
“Hoàn toàn khoẻ mạnh” đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu…

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cửu “hay nhớ lại chuyện xưa?” Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

“SINH – LÃO – BỆNH – TỬ” là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.


Chu Dung Cơ

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Di chúc của Chúa

Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh

Chỉ có một ngày, đừng để vuột mất đi sự phong phú của phụng vụ, của lời Chúa, vẻ đẹp của khuôn mặt Thiên Chúa mà Đức Giêsu bày tỏ.

Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành, xem như là một điểm dừng cắt ngang hành trình của đoàn dân Thiên Chúa tiến về Đất Hứa; chương 12 sách Xuất hành thuật lại những sự kiện, những biến cố, được xem như là chỉ thị nghi lễ: diễn tả tỉ mỉ những cử chỉ cung cách phải có trong đêm ăn chiên Vượt qua. Những cử chỉ này được lập đi lập lại, nhiều lúc người ta không hiểu được ý nghĩa thâm sâu, trở nên như một hình thức cử hành bên ngoài. Nghi thức này được đọc lại cho chúng ta, như để ghi nhớ. Một nhắc nhớ được cử hành như ngày lễ kính Chúa, một kẻ niệm được cử hành từ đời này sang đời kia. ‘Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm’. Một nghi lễ, một kỷ niệm đánh dấu một khởi đầu, một nghi lễ, một kỷ niệm để sống mỗi năm như một khởi đầu mới, và như thế suốt cả cuộc sống chúng ta khởi đầu với tháng này, những ngày này, những cử chỉ này, những lời nói này…

Đoạn tin mừng: nghi lễ để kỷ niệm, không chỉ là bữa tối hay một nghĩa cử khiêm tốn (vì nếu như thế sẽ rơi vào một sự lập đi lập lại rỗng tuếch), nhưng chính là sự thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Chúng ta họp nhau chiều nay để nói lên điều này là chúng ta muốn bắt đầu lại và trong bữa ăn tối cuối cùng Đức Giêsu đã sống cùng với các môn đệ, chúng ta nhìn nhận khởi điểm cuộc sống chúng ta, khởi điểm hy vọng của chúng ta và chúng ta ước ao sống bữa tối ấy cùng với Đức Giêsu như Ngài đã sống. Bản văn viết ‘biết giờ của Ngài đã đến…’, Đức Giêsu hoàn toàn ý thức. Đức Giêsu biết, không có ý muốn nói đến việc biết trước theo thiên tính của Ngài. Tin mừng muốn cho ta thấy sự nghiêm túc và sự tự do Đức Giêsu đối diện với cái chết, điều mà chúng ta với bản tính con người tìm cách tránh xa (đau khổ, đau đớn, cái chết), là thuộc thế giới thần linh, thuộc chương trình của Thiên Chúa. Điều xảy ra không phải là may rủi, bất ưng, vô nghĩa: đã biết trước nên không phá hủy chương trình của Thiên Chúa. Cái chết, sự phản bội, vẻ thất bại của thập giá, các môn đệ bỏ Thầy, tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Và Đức Kitô tiếp nhận tất cả cách hoàn toàn tự do. Ta cũng tin rằng Đức Giêsu đã sống bữa tối cuối cùng như một khởi đầu mới…biết rằng bữa tối này là bữa tối cuối cùng Ngài ăn uống với các môn đệ trên trần gian và do đó là khởi đầu mới, của cách thức hiện diện mới, một hiệp thông hiệp mới nơi bánh rượu được nhắc đến trong bài đọc 2 và cử chỉ phục vụ trong bài tin mừng. Không có Thánh Thể, không có Thánh lễ, nếu không có trao ban mạng sống, nếu không có tình yêu, nếu không có phục vụ anh chị em. Thật quan trọng câu đầu tiên của đoạn tin mừng hôm nay, vì thuật lại cho ta tình yêu của Thiên Chúa, cách thức mà Thiên Chúa thực hiện tình yêu. Không phải tình yêu đổi chác filein theo kiểu con người, nhưng là agape, tình yêu của Thiên Chúa: nhưng không, trọn vẹn, dứt khoát. Bánh rượu, rửa chân, giao ước mà Thiên Chúa kết giao với mỗi người chúng ta là nơi phát sinh tình yêu ấy. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian… tình yêu mà Đức Giêsu muốn thu tóm vào đó tất cả sứ vụ, lời nói và cử chỉ hành động của Ngài…Và Ngài yêu thương họ đến cùng, quy chiếu về điều đang xảy ra: rửa chân môn đệ, những tâm sự cuối cùng, giã từ, cái chết.

Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Là bổn phận của chúng ta, nhận ra qua nghĩa cử ấy một lệnh truyền, điều kiện để yêu và phục vụ anh em là nhận ra điều Đức Giêsu đã làm cho ta. Không dễ yêu thương nhau, chúng ta chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta học nơi Đức Giêsu, đã quỳ gối như một tôi tớ trước con người, chỉ có như thế giáo hội mới có thể khởi đầu hành trình sự tự hiến của mình, vì chỉ khi phục vụ cách vô vị lợi mọi con cái của mình, giáo hội mới thực sự có uy thế. Quyền bính của giáo hội được biểu lộ và khẳng định trong việc phục vụ, nghĩa là, mức độ người ta tin vào giáo hội tỉ lệ thuận với việc giáo hội phục vụ, quỳ gối truớc mọi người nam nữ của ngày hôm nay. Để có thể cất giọng tuyên bố điều này điều nọ, giáo hội phải biết hạ mình xuống, cúi mình xuống để săn sóc, để phục vụ…Chúng ta cảm thấy đây là một bổn phận của mỗi chúng ta, như một lệnh truyền dứt khoát, bởi lẽ là di chúc Đức Giêsu trao ban.


Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

10 phong cách Café Sài Gòn

Cà phê hẻm

Ngày lại qua ngày, bị cuốn theo nhịp sống hối hả của một Sài Gòn năng động, đã bao giờ bạn gạt qua những bươn chải, lo toan tách mình khỏi dòng người vội vả để dừng chân bên 1 quán cafe hẻm (hay cafe lề đường, cafe cóc tuỳ cách mỗi người gọi). Có thể cafe hẻm bình dân, chỉ là 1-2 cái bàn nhỏ cùng vài cái ghế con con, không có “ghế nệm êm êm”, không có “điệu nhạc trầm mềm”; có thể “đa phần cafe hẻm làm gì hy vọng được là cafe nguyên chất hay 50-50 là cafe, 9 phần bắp, 1/2 phần nước màu và 1/2 phần còn lại mới là cafe.”

Nhưng cà phê hẻm vẫn rất ngon vì … ngon đôi khi không hẳn là vị giác. Đó là “vị ngon” của tiếng chim ríu rít mỗi sớm mai, là “vị ngon” khi từng chiếc lá me nhẹ nhàng rơi lên tóc, là “vị ngon” của hương hoa, của gió, của hơi sương, hay chỉ đơn giản là cảm giác được dừng chân nghỉ ngơi ngắm nhìn dòng đời tấp nập. Cafe hẻm thì rất nhiều và mỗi nơi phong cách mỗi khác, nhưng tất cả đều có chung 1 đặc điểm: giá khá mềm 4000-6000/ ly.
Có thể cafe hẻm không sang trọng, không "xứng tầm" với 1 số người tự cho mình là "sành điệu" nhưng với tôi đó là nơi có thể trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống. Hãy thử 1 lần dừng chân và thưởng thức.

Hẻm - Một cõi đi về - Hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, tp HCM.

Nhắc tới café hẻm không thể không nhắc tới cái hẻm khá nổi tiếng ấy, đơn giản chỉ vì nơi đó ngày xưa có nhà của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Con hẻm rất mát. Vỉa hè bên phải có gốc cây trang cổ thụ. Thường những cây bông trang cao cỡ 1m, hoa màu đỏ. Cây này hoa trắng và cao phải đến 5m, thân to như cây xoài lão. Nhìn lên tán lá xanh, thấy từng chùm hoa li ti trắng xoá, chợt thấy lòng thanh thản lạ. Ngồi đây thỉnh thoảng bạn sẽ gặp Trịnh Vĩnh Trâm hay Trịnh Vĩnh Trinh đi về.

Cà phê sách

Nếu có nhã hứng với cà phê một mình nhưng lại không muốn đắm chìm vào suy tư thì cà phê sách sẽ là một chọn lựa thích hợp. Luôn có không gian ấm cúng với ánh đèn vàng ấm áp, nhạc nhẹ vừa đủ nghe và những góc ngồi riêng biệt. Khách đến quán cũng không ồn ào náo nhiệt mà lặng lẽ, chuyện trò nhỏ giọng hay thả hồn theo trang sách. Tuỳ vào gout của chủ quá hay đối tượng khách quán nhắm đến mà bạn có thể tìm thấy các loại sách khác nhau trong quán. Nếu Goody Plus nổi tiếng với hàng tủ hàng tủ truyện tranh dành cho tuổi teens thì Rùm Beng lại khiêm tốn với một kệ sách nhỏ, nhưng đầy bất ngờ với những quyển sách cũ xưa, có lẽ còn xưa hơn cả tuổi đời của chủ quán.

Ciao – 40 Ngô Đức Kế, quận 1, tp HCM.

Cùng nằm trong hệ thống Ciao nhưng điểm nhấn ở đây là sách. Cũng vẫn những mảng tường nâu trầm điểm xuyết hoa văn đơn giản, được trang trí với các bức tranh thần Cupic xinh xắn hay nàng Marilyn Monroe quyến rũ, vẫn những chiếc ghế sofa êm ái nhưng dọc tường là những kệ đầy ăm ắp sách.
Những "ô cửa sách" xinh xinh, trắng ngà và vuông vức như một tổ ong, bên dưới mỗi ô là ghi chú về thể loại sách. Có thể tìm thấy Tự lực văn đoàn chen lẫn cùng Sơn Nam hay Chu Lai. Sách tư liệu hình ảnh về Sài Gòn xưa và nay nằm cạnh sách nghiên cứu kinh tế, du lịch, tạp chí nước ngoài hay tiểu thuyết Kim Dung đều được tìm thấy. Bước vào quán, gọi cho mình 1 Frapuchino đậm rồi đắm mình vào trang sách khi ngoài trời mưa rả rích, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng đi một chút.

Cà phê rock

Sài Gòn là nơi tập trung đủ tất cả mọi thứ, từ thượng vàng đến hạ cám, từ nhạc vàng, nhạc sến, nhạc đỏ, nhạc trẻ, pop, country, jazz… và đương nhiên không thể thiếu rock. Chính vì lẽ đó mà những quán cà phê nhạc rock dù không đạt lợi nhuận cao nhưng vẫn tồn tại như một “thánh đường” hội tụ những người yêu nhạc rock. RFC, Trúc Mai, Dạ Nguyệt, Tùng, HardRock, X là những quán cà phê rock nổi bật hiện nay. Mỗi quán đều có cái hay, cái riêng biệt và đương nhiên cũng sẽ có những giới hạn riêng nhưng chung quy tất cả đều bắt nguồn từ niềm đam mê rock.

Tùng – kênh Nhiêu Lộc, quận 3, tp HCM.

Giữa cái lạnh của cơn mưa tháng mười một tuôn xối xả ngoài đường thì bốn bức tường gạch mộc với ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn gốm trên tường của cà phê Tùng sẽ là một không gian ấm áp cho một buổi tối hòa mình với rock. Quán có những góc cạnh riêng tư để bạn có thể bó gối trên ghế để âm thanh bao trùm lấy mình mặc cho mưa gió ngoài kia đang gào thét. Góc ngồi nào cũng được chăm chút để nhạc có thể đến với người nghe một cách tốt nhất, đây là quán cà phê rock được đầu tư chu đáo có thể nói là nhất nhì Sài Gòn. Và cũng như bao quán khác, Tùng cũng có “giờ” mở nhạc, đầu tiên sẽ là những bản ballad nhẹ nhàng lãng mạn, sau đó sẽ là metal và “nặng” dần lên theo mức độ của đêm và giác quan của bạn sẽ dần dần thu hẹp lại chỉ còn lại thính giác phát huy hết mức để “thấm” nhuần tiếng guitar, tiếng trống và vocal. Tay chỉnh nhạc sẽ chọn những bài “hắn” thích hoặc “hắn” nghĩ rằng “người ta” thích trong hàng trăm CD nhạc trên kệ để mở, để cùng gật, cùng lắc, cùng ngả nghiêng người theo những đoạn cao trào của âm nhạc với bạn.

Cà phê Trịnh

Giữa những bộn bề của cuộc sống, đôi lúc người ta cũng cần phải dừng lại, lắng lòng, cân bằng suy nghĩ bản thân để rồi lại tiếp tục tiến bước trên đường đời tấp nập. Những lúc như thế, một ly cà phê thơm nồng, một khúc nhạc Trịnh mênh mang và một không gian êm ả là nơi thật sự lý tưởng để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua và những gì cần phải thực hiện trong tương lai sắp đến. Sài Gòn là nơi ồn ã của phố thị hào hoa với nếp sống tất bật, hối hả nhưng Sài Gòn cũng không thiếu nơi để một người mệt nhoài với công việc, với những lo toan đời thường ngả lưng tự thưởng lấy những giờ phút cho riêng mình. Vô Thường, Về Cội, Thềm Xưa, Du Miên,… là những quán cà phê với cây xanh, thác nước, với những giọt cà phê chầm chậm nhỏ và với những “Một cõi đi về”, “Như cánh vạc bay”, “Diễm xưa” … của Trịnh sẽ là nơi bạn có thể tạm gác bỏ mọi phiền muộn để mở lòng ra với đời, với người, để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều để yêu và để nhớ.

Ký Ức – 14 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, tp HCM.

Đó là một nơi rất yên tĩnh, thoáng mát, vòm cổng làng bằng gạch nung uốn cong sẽ đưa bạn rời khỏi những đua chen của cuộc sống. Đường vào quán là con đường làng quê Việt Nam thu nhỏ với một hàng tre xanh mát, đi qua một chiếc cầu bắc ngang dòng suối trong veo. Bên trong quán là một không gian đầm ấm với những ngọn đèn vàng tỏa ánh sáng dìu dịu. Khúc nhạc Trịnh quen thuộc được thể hiện qua giọng hát Khánh Ly, Quang Dũng, … sẽ khiến bạn cảm thấy tách cà phê sao mà ngọt ngào và nồng đượm đến thế. Hoặc nếu đến với Ký Ức vào những đêm thứ 3,5,7, bạn sẽ có dịp thả hồn mình với những tình khúc vang bóng một thời. Một góc tĩnh lặng, êm đềm giữa lòng phố thị - ngày mai sẽ là một ngày mới!

Cà phê Sành Điệu

Khi nhắc đến cà phê SG người ta nghĩ ngay đến những quán cà phê to lớn, sang trọng, hoành tráng vì chủ nhân của chúng đã chi hàng tỷ đồng để xây dựng và trang trí. Đừng nghĩ là họ chơi ngông bởi có cầu mới có cung và chắc chắn việc kinh doanh có lời nên chi nhánh sau nối chi nhánh trước ra đời. Như sau Chợt Nhớ thì có Chợt Nhớ 2, sau Windows Hồ Con Rùa thì có Window’s Garden rồi Window’s Grand. Những quán này không ngày nào là vắng khách và khách hàng chủ yếu là những người trẻ với quần áo moden, điện thoại di động đời mới nhất cùng những chiếc xe máy trị giá bằng cả gia tài đối với những người có thu nhập trung bình. Lúc này cà phê ngon, nhạc hay, khung cảnh ấm cúng… không còn là tiêu chí lựa chọn bởi theo nhận thức một số người chỉ bước chân vào những quán cà phê như thế mới chứng tỏ được đẳng cấp và mới là sành điệu

MGM - 172C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, tp HCM.

Với sức chứa lên tới 1.000 người, MGM từng được coi là một trong những quán cà phê hoành tráng nhất của Sài Gòn. Cái tên MGM là viết tắt của Maximum Greatest Music. Chủ quán bỏ công đầu tư rất nhiều cho quán như những cây thốt nốt được đem về từ Campuchia, như chiếc đèn chùm có giá hơn 200 triệu đồng, như những chiếc ghế với kiểu dáng thật độc đáo và ấn tượng. Sau vụ lôi thôi vì chứa rượu lậu thì nay MGM ko còn vẻ tấp nập như xưa nhưng vẫn còn đó hào nhoáng một thời.

Cà phê Nghệ Thuật

Saigon có hàng trăm quán café, mỗi quán là một không gian và mỗi không gian là một thế giới của những giấc mơ. Đôi khi rất dễ để có thể biết đâu là một quán café sang trọng nhưng thiếu tinh tế hay là một quán café tầm tầm nhưng cố khoác lên mình một vỏ bọc bằng những cái tên mĩ miều. Khẩu vị thụ hưởng của người tiêu dùng ngày càng cao, uống café không đơn giản chỉ là tụ tập hay thả hồn theo những suy nghĩ riêng. Người ta đến quán café vì nhiều tiêu chí hơn. Café Arch ra đời nhằm thoả mãn những cái nhìn khắc nghiệt và tinh tế hơn của người tiêu dùng.

Café Arch thường là sự kết hợp giữa một quán café sang trọng và một loại hình nghệ thuật. Có thể đó là tranh, có thể bản thân quán đã là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc. Thoả mãn cái nhìn, cái cảm, cái phán xét đôi khi khắc nghiệt, café arch là một thử thách mà người chủ quán muốn đương đầu trong những khó khăn của nghìn năm bia miệng.

Pergola - 28A Trần Cao Vân, quận Phú Nhuận, tp HCM

Arch Tran vốn là một biệt thự nằm lẩn khuất giữa Saigon và được biết đến là một café arch sang trọng Pergola. Đó là một sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và lãng mạn nhờ vào các mảng sáng tối đuợc phân bổ một cách có chủ ý. Từ cửa sổ có chiếc bàn gỗ chỏng chơ cho đến chiếc ghế dài dưới ngọn đèn tù mù màu đỏ, ta đều thấy được hình như đâu đó những lời thì thầm của các cặp tình nhân âu yếm. Không lẫn vào đâu được lại là hương của những ổ bánh mì thơm lừng được xếp bên cạnh một giá rượu đầy hơi hướm cũ kĩ.
Từng góc của quán là một phong cách khác nhau nhưng không thể tách rời nhau. Đó là một khối tổng thể tham lam nhưng lại rất nhẹ nhàng và đậm chất quí tộc. Sự sành điệu không thể hiện bằng một góc nhìn, nó phải thể hiện được bằng cái không khí mà quán tạo nên được. Đến với quán cùng nhóm bạn hay là với người kia thì ta đều cảm thấy một chút nhẹ nhàng dễ vỡ. Café Arch không hầm hố, không ồn ào, không được quá nhiều người biết đến nhưng vẫn tồn tại như một đẳng cấp để thể hiện và hưởng thụ.

Cà phê “take-away”

Nhịp sống Sài Gòn tất bật, vội vã cuốn con người ta theo nó. Nhanh, gọn, lẹ đôi khi là những tiêu chí hàng đầu và những tiêu chí này cũng được áp dụng cả vào phong cách ăn uống. Không hẳn lúc nào người Sài Gòn cũng có thời gian ngồi quán nhâm nhi cà phê, những lúc như thế ai đơn giản sẽ chọn loại cà phê hòa tan, ai kén chọn cà phê phải có vị cà phê thì chọn giải pháp “take-away” – mua rồi đi ngay. Phong cách “take-away” dĩ nhiên bắt nguồn từ nước ngoài, nơi nhịp sống công nghiệp khiến con người ta lúc nào cũng vội vã. Nhắc đến cà phê “take-away” có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến những quán có tên “Tây” và mang phong cách “Tây”. Tuy nhiên, hãy thử ghé bất kỳ quán cóc lề đường nào và bảo là mua mang đi là chủ quán sẽ cho cà phê của bạn vào cái ly nhựa có nắp đậy kèm ống hút, đấy chẳng là “take-away” sao.

Passio – Cà phê không mua chỗ ngồi - Nguyễn Thị Minh Khai

Sáu thành viên sáng lập, tuổi tác có phần chênh lệch. Người trẻ nhất mới quá 20, người lớn nhất xấp xỉ 40. Lệch tuổi, khác ngành nghề, nhưng họ cùng chung mong ước là cung cấp cho thị trường một loại cà phê tươi đúng nghĩa với một phong cách phục vụ khác biệt hoàn toàn. Đánh vào phân khúc trung và cao cấp, với đối tượng khách hàng mục tiêu là khách nước ngoài và giới văn phòng, công sở không có nhiều thời gian thưởng thức một ly cà phê pha phin truyền thống. Decord và design của quán đơn giản nhưng thể hiện nét trẻ trung, nổi bật, cá tính và khác biệt qua màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây (Passio – đam mê). Danh mục sản phẩm cung cấp: cà phê pha phin truyền thống, cafe cappuccino, bánh mì, trà kem, mức giá trung bình: 8.000 – 25.000.

Hệ thống cà phê nước ngoài

Đất nước đang trên đà hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội phát triển kinh doanh sang thị trường nước ngoài, hàng xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn chủng loại thì ngược lại lượng nhập khẩu cũng không kém. Thương hiệu và phong cách cà phê cũng có thể coi là một món hàng và loại hàng hóa này ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Highland tiên phong với quán lề đường đầu tiên ở tòa nhà Metropolitan 235 Đồng Khởi thì nay sau khoảng 4 năm đã nắm trong tay hơn chục chi nhánh ở những vị trí đắc địa. Phong cách không quá sang trọng nhưng cũng chẳng phải bình dân, lịch sự nhưng ấn tượng. Sau Highland thì một loạt các thương hiệu nổi tiếng khác nối gót như illy, Gloria Jeans và nghe đâu sắp tới sẽ là Starbuck.

Gloria Jeans Coffee

Cũng là loại thức uống quen thuộc như Cappuchino hay Frapuchino với cream on top and caramel. Cũng là phong cách tự phục vụ, nhưng ở Gloria Jeans, những nét riêng luôn làm con người ta cảm thấy ngạc nhiên. Những gam màu vàng nhẹ nhàng, ấm cúng như một ngọn nến sáng trong đêm mưa. Những chiếc ghế bành được bố trí trong quán kết hợp với mảng màu nóng đặc trưng tạo cảm giác dễ chịu đến lạ thường.
Gloria Jeans ở Saigon đang cố đưa mình vào thành phố này như một điểm dừng chân nhỏ. Nếu Gloria Jeans ở Đồng Khởi giữ nguyên vẻ tao nhã ấm cúng thì ở Pasteur lại là một thứ mùi vị sành điệu với những chiếc xe hơi bóng lộn đắt tiền. Với Gloria Jeans không đơn giản là một cà phê mà cũng không quá phức tạp để có thể hiểu rằng chậm lại một chút cuộc sống ơi!!!

Cà phê “đen”

Phong cách café Sài Gòn muôn màu, muôn vẻ: café sách, café Trịnh, café rock, café lề đường … mỗi phong cách, mỗi quán café là một sự đầu tư tâm huyết. Khi đặt chân vào quán bạn tìm được sự thoải mái, thư giản với những niềm vui nho nhỏ: 1 cuốn sách hay, 1 giai điệu trữ tình, những mẫu chuyện vui của bạn bè, hay tìm được 1 chút lặng trong tâm hồn … Nhưng, phía sau những ánh đèn rực rỡ là mảng tối chập chờn : café đen Thanh Đa. Bất chấp sự phản ứng gay gắt của dư luận và sự kiểm tra của chính quyền, cà phê cafe “đen” - café tình nhân Thanh Đa vẫn là 1 góc tối của café Sài Gòn hoa lệ. Không đủ “dũng cảm” đi thực tế, tôi chỉ có thể “mượn” 1 đoạn trên báo
SGGP để giới thiệu đến các bạn “góc tối” Thanh Đa

Cà phê du ký

“Cô nhân viên quán Kitty rọi đèn pin xuống đất và dẫn chúng tôi đi sâu vào trong quán, rồi mở một cái cửa và… đi ngược lên trên, vào khu vực cà phê máy lạnh. Qua ánh đèn pin của cô gái dẫn đường, chúng tôi nhìn thấy những ô vuông dọc lối đi đã được giăng vải che kín mít. Chủ quán đã hết sức “tôn trọng sự riêng tư” của những người đến uống cà phê, nên không những phòng không đèn, luôn đóng kín cửa mà hai chiếc ghế dựa nào cũng được quây vải che ba mặt, chỉ trừ một mặt là… tường! Đặt 2 lon nước yến lên chiếc bàn chỉ lớn hơn bàn tay tại góc “chuồng”, lấy 40.000 đồng, cô nhân viên nhanh tay phủ mùng. Đã được kể nhưng chúng tôi vẫn hơi bất ngờ. Ngồi trong mùng, chúng tôi cảm nhận các tấm vải mùng phía trước, phía sau
đều đang… lay động. Lẫn trong tiếng nhạc của quán là những tiếng động không lành mạnh...” (Theo SGGP)

Cà phê Lặng - kết thúc loạt bài

Và để kết lại bài viết này, xin giới thiệu một nốt lặng của Sài Gòn. Dẫu không phải là một phong cách cà phê nhưng nó như một điểm son của thành phố, đến để biết được quanh ta vẫn còn có những tấm lòng

Cà phê Lặng - với những nhân viên phục vụ có đôi tay biết múa và đôi mắt biết nói, bù lại một phần mất mát. Đúng như tên của nó, quán nằm lặng lẽ khiêm nhường trên một con phố ồn ào tấp nập. Nếu vội vã lướt qua chắc chẳng ai để ý tới. Từng chiếc bàn, ghế tre đơn giản được trang trí bằng bảng hướng dẫn ngôn ngữ bằng tay, nhưng viên bi tròn xinh xắn nằm gọn trong cốc thuỷ tinh và những cánh hạc xanh cắm trên cọc giấy, những mảnh giấy con con cũng màu xanh đang chờ các vị khách nhắn gửi thông điệp. Dọc tường là những bức tranh dạng poster mang hồn dân tộc Việt.
Đã có nhiều chương trình từ thiện khởi đầu từ Lặng như "Giáng sinh hạnh phúc", "Ấm áp mùa xuân" của hội Những người Bạn gửi đến những mảnh đời bất hạnh một chút san sẻ, một chút ấm áp. Sài gòn hoa lệ, Sài Gòn tất bật, vội vã, nhưng ẩn sâu trong lòng Sài Gòn vẫn còn đó những đốm lửa của niềm tin và tình yêu con người.