Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Câu chuyện cảm động


Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau.

Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".

Chẳng những thế, cô thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.
Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh".
Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu".
Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ".

Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa.

Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai 
nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay.
Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ.

Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.

Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em".
Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời".

Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể.
Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất.
Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ".
Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".

Tha Thứ mãi mãi


Lisa ngồi trên sàn với chiếc hộp trước mặt. Cái hộp cũ kĩ đựng 1 tờ giấy kẻ ô vuông. Và đây là câu chuyện đằng sau những ô vuông...
- Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần? 
- Cô giáo trường Chủ Nhật đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe: "70 nhân 7 lần!"
Lisa kéo tay Brent - em trai cô:
-Thế là bao nhiêu lần?
Brent viết số 490 lên góc vở Lisa. Brent nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rồi bù. Nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu làm bạn bè ai cũng phục. Câụ học pianô từ năm lên 4, kèn darinet năm lên 7 và giờ đây cậu đang chinh phục cây đèn Oboa. Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi 1 thứ: bóng rổ, 2 chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học. Brent thấp bé lại yếu, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu với kém của cô.
Sau giờ học, 2 chị em lại chạy ra sàn bóng rổ. Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm. Lisa dễ dàng ghi điểm. Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.
- Em ổn cả chứ? Chị lỡ tay thôi mà!
- Không sao, em tha lỗi cho chị - Cậu bé cười - Phải tha thú 490 lần và lần này là 1, vậy chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!
Lisa cười. Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm.
Hôm sau, 2 chị em chơi bắn tàu trên giấy. Sợ thua, Lisa nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng "chiến thắng".
- Chị ăn gian! - Brent nhìn Lisa nghi ngờ.
Lisa đỏ mặt:
- Chị xin lỗi!
- Được rồi, em tha lỗi - Brent cười khẽ - Thế là chỉ còn 488 lần thôi, phải không?
Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động. Tối đó, Lisa kẻ 1 biểu đồ với 490 hình vuông:
- Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai và em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo 1 ô - Miệng nói, tay Lisa đánh dấu 2 ô. Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường.
Lisa có rất nhiều cơ hội đánh dấu vào biểu đồ. Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa xin lỗi rất chân thành. Và cứ thế... Ô thứ 211: Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent và cậu bé bị điểm 0. Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent... Ô thứ 417: Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent... Ô thứ 489: Lisa mượn xe đạp của Brent và đâm vào gốc cây. Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc cốc hình quả dưa mà Brent rất thích.
-Thế là hết - Lisa tuyên bố - Chị sẽ không có lỗi gì với em nữa đâu.
Brent chỉ cười :"Phải, phải"
Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491. Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc và cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York. Một niềm mơ ước thành hiện thực.
Người ta gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa nghe điện :" Hai giờ chiều ngày mùng 10 nhé!" Lisa nghĩ mình có thể nhớ được nên cô đã không ghi lại.
- Brent này, khi nào con biểu diễn? - Mẹ hỏi.
- Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! Brent trả lời.
Lisa lặng người, mãi mới lắp bắp:
- Ôi!... Hôm nay ngày mấy rồi ạ?
-12, có chuyện gì thế?
Lisa, bưng mặt khóc nức lên:
- Biểu diễn... 2 giờ... mùng 10... người ta gọi điện... tuần trước...
Brent ngồi yên, vẻ mặt nghi ngờ, không dám tin vào nhữnng gì Lisa nói.
-Có nghĩa là... buổi biểu diễn đã qua rồi??? - Brent hỏi.
Lisa gật đầu. Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào. Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc. Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng. Rồi cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại 1 mảnh giấy dặn mọi người yên tâm.
Lisa đến Boston và thuê nhà sống ở ngay đó. Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời: "Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa". Đó là ý nghĩ trẻ con của cô gái 19 tuổi.
Rất lâu sau, có lần gặp lại người láng giềng cũ: bà Nelson.
- Tôi rất tiếc về chuyện của Brent... - Bà ta mở lời.
Lisa ngạc nhiên:
- Sao ạ?
Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa không biết gì. Bà kể cho cô nghe tất cả: xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, các bác sĩ tận tâm nhưng Brent không qua khỏi. Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà.
Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp. Cô không thấy tờ biểu đồ ngày xưa kín đặc các gạch chéo mà lại có 1 tờ giấy lớn:
 "Lisa yêu quý,
Em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó. Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị.
Yêu thương,
Brent"
Mặt sau là 1 tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hồi bé, với rất nhiều ô vuông. Nhưng chỉ có 1 ô vuông đầu tiên có đánh dấu và bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ: "Lần thứ 491: Tha thứ, mãi mãi!"


Câu chuyện bát mì


Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì".Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.

Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:
- Có thể... cho tôi một… bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.
- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:
- Cho một bát mì.
Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. “Ngon quá” - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon ! Cám ơn !” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị ! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không?
 - Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:
- Cho một bát mì.
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:
- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.
- Thơm quá!
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không?
- Được chứ, mời ngồi bên này!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì”
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
 Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?
- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên ! Chúc hạnh phúc ! Cám ơn !”
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.”
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.
Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.
Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
“Việc này có ý nghĩa như thế nào?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.
Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi
đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn
 vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái
 thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên
 vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó,
 những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc
 đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.


Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:
- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:
- Các vị… các vị là…

Một trong hai thanh niên tiếp lời:
-Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ.
Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.
 Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng : chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt ,nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.

Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng : "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt." Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động. 

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

CỐ LAGRANGE.


Cha Lagrange, giáo sư TCV Sao Biển Nha Trang



 
LAGRANGE Louis (1916- 2013) Tên tiếng Việt là Cố Quang. Cha sinh ngày 2 tháng sáu năm 1916 ở Dingy-St-Clair (H.-S.), thụ phong linh mục ngày 29 tháng sáu năm 1939 ở Tiểu Chủng Viện Truyền giáo hải ngoại M.-E..Cha nhận bài sai đi truyền giáo ở Yun-nan-fu,(Trung Hoa), nhưng cha bị giữ lại ở Pháp vì chiến tranh Thế Chiến thứ hai. Lúc bấy giờ cha làm giáo sư chủng viện Beaupréau trước khi lên đường đến giáo phận truyền giáo. Từ 1946 đến 1952, cha được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện Kunming. Bị trục xuất khỏi Trung Hoa trong năm 1952, cha trở thành giáo sư của Tiểu chủng Sao Biển Nha Trang cho đến khi bị trục xuất khỏi Việt Nam vào năm 1975. Sau đó cha gia nhập giáo phận Annecy. Từ 1975 đến 1978, cha là cha phó giáo xứ ở Thonon-les-Bains và từ năm 1978, cha phó giáo xứ Évian-les-Bains, trước khi về hưu ở nhà hưu dưỡng St-François, ở Annecy.
Cha là một trong số các cha thuộc MEP  giáo sư đầu tiên của TCV Sao Biển cùng thời với các cha Clause, cha Jeanningros, cha Mollard, cha Hirigoyen, Gervier, và sau này có thêm các cha Pouclet, Larroque, Nédelec. Cha Lagrange giảng dạy ở TCV Sao Biển từ khi thành lập cho đến khi TCV bị giải thể vào năm 1975. Cha là con người hiền từ, dễ tính, nhưng trầm tỉnh. Cha ít khi nổi nóng và rất thương yêu các chủng sinh. Cha mang kính cận, và thường đội mũ bê rê. Cha dạy chủng sinh môn tiếng Pháp theo quyển Les Auteurs, tiếng Anh theo quyển Anglais vivant, và Politesse.
Cha còn biết tiếng Trung Hoa vì có thời kỳ cha dạy ở Trung Hoa. Thỉnh thoảng cha nói xí xô xí xào ít tiếng Trung Hoa cho chúng tôi nghe. Cha có thói quen kêu tên chủng sinh lên dò bài bằng cách nhắm mắt, tay nắm cây bút chì rồi thả xuống bản danh sách tên, mũi bút chì chỉ tên chú nào, cha kêu tên chú đó lên dò bài. Thỉnh thoảng cha cầm cây bút chì đưa lên cao quay quay vài vòng, nhắm mắt, rồi chỉ xuống danh sách tên. Mỗi lần cha làm như thế vào đầu giờ học, chú nào thuộc bài thì không sao, còn chú nào quên hoặc không thuộc bài thì cảm thấy hồi hộp như muốn đứng tim.
Vài hàng tưởng nhớ đến cha, một vị giáo sư nhân hậu và đáng kính đã đồng hành cùng với tất cả các chủng sinh qua tất cả các niên học từ 1958 đến 1975..
Xin Chúa thương đón nhận linh hồn vị ân sư của chúng con vào Nước Chúa.
 
Nguyễn Kim Ngân 59