Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Di chúc của Chúa

Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh

Chỉ có một ngày, đừng để vuột mất đi sự phong phú của phụng vụ, của lời Chúa, vẻ đẹp của khuôn mặt Thiên Chúa mà Đức Giêsu bày tỏ.

Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành, xem như là một điểm dừng cắt ngang hành trình của đoàn dân Thiên Chúa tiến về Đất Hứa; chương 12 sách Xuất hành thuật lại những sự kiện, những biến cố, được xem như là chỉ thị nghi lễ: diễn tả tỉ mỉ những cử chỉ cung cách phải có trong đêm ăn chiên Vượt qua. Những cử chỉ này được lập đi lập lại, nhiều lúc người ta không hiểu được ý nghĩa thâm sâu, trở nên như một hình thức cử hành bên ngoài. Nghi thức này được đọc lại cho chúng ta, như để ghi nhớ. Một nhắc nhớ được cử hành như ngày lễ kính Chúa, một kẻ niệm được cử hành từ đời này sang đời kia. ‘Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm’. Một nghi lễ, một kỷ niệm đánh dấu một khởi đầu, một nghi lễ, một kỷ niệm để sống mỗi năm như một khởi đầu mới, và như thế suốt cả cuộc sống chúng ta khởi đầu với tháng này, những ngày này, những cử chỉ này, những lời nói này…

Đoạn tin mừng: nghi lễ để kỷ niệm, không chỉ là bữa tối hay một nghĩa cử khiêm tốn (vì nếu như thế sẽ rơi vào một sự lập đi lập lại rỗng tuếch), nhưng chính là sự thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Chúng ta họp nhau chiều nay để nói lên điều này là chúng ta muốn bắt đầu lại và trong bữa ăn tối cuối cùng Đức Giêsu đã sống cùng với các môn đệ, chúng ta nhìn nhận khởi điểm cuộc sống chúng ta, khởi điểm hy vọng của chúng ta và chúng ta ước ao sống bữa tối ấy cùng với Đức Giêsu như Ngài đã sống. Bản văn viết ‘biết giờ của Ngài đã đến…’, Đức Giêsu hoàn toàn ý thức. Đức Giêsu biết, không có ý muốn nói đến việc biết trước theo thiên tính của Ngài. Tin mừng muốn cho ta thấy sự nghiêm túc và sự tự do Đức Giêsu đối diện với cái chết, điều mà chúng ta với bản tính con người tìm cách tránh xa (đau khổ, đau đớn, cái chết), là thuộc thế giới thần linh, thuộc chương trình của Thiên Chúa. Điều xảy ra không phải là may rủi, bất ưng, vô nghĩa: đã biết trước nên không phá hủy chương trình của Thiên Chúa. Cái chết, sự phản bội, vẻ thất bại của thập giá, các môn đệ bỏ Thầy, tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Và Đức Kitô tiếp nhận tất cả cách hoàn toàn tự do. Ta cũng tin rằng Đức Giêsu đã sống bữa tối cuối cùng như một khởi đầu mới…biết rằng bữa tối này là bữa tối cuối cùng Ngài ăn uống với các môn đệ trên trần gian và do đó là khởi đầu mới, của cách thức hiện diện mới, một hiệp thông hiệp mới nơi bánh rượu được nhắc đến trong bài đọc 2 và cử chỉ phục vụ trong bài tin mừng. Không có Thánh Thể, không có Thánh lễ, nếu không có trao ban mạng sống, nếu không có tình yêu, nếu không có phục vụ anh chị em. Thật quan trọng câu đầu tiên của đoạn tin mừng hôm nay, vì thuật lại cho ta tình yêu của Thiên Chúa, cách thức mà Thiên Chúa thực hiện tình yêu. Không phải tình yêu đổi chác filein theo kiểu con người, nhưng là agape, tình yêu của Thiên Chúa: nhưng không, trọn vẹn, dứt khoát. Bánh rượu, rửa chân, giao ước mà Thiên Chúa kết giao với mỗi người chúng ta là nơi phát sinh tình yêu ấy. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian… tình yêu mà Đức Giêsu muốn thu tóm vào đó tất cả sứ vụ, lời nói và cử chỉ hành động của Ngài…Và Ngài yêu thương họ đến cùng, quy chiếu về điều đang xảy ra: rửa chân môn đệ, những tâm sự cuối cùng, giã từ, cái chết.

Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Là bổn phận của chúng ta, nhận ra qua nghĩa cử ấy một lệnh truyền, điều kiện để yêu và phục vụ anh em là nhận ra điều Đức Giêsu đã làm cho ta. Không dễ yêu thương nhau, chúng ta chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta học nơi Đức Giêsu, đã quỳ gối như một tôi tớ trước con người, chỉ có như thế giáo hội mới có thể khởi đầu hành trình sự tự hiến của mình, vì chỉ khi phục vụ cách vô vị lợi mọi con cái của mình, giáo hội mới thực sự có uy thế. Quyền bính của giáo hội được biểu lộ và khẳng định trong việc phục vụ, nghĩa là, mức độ người ta tin vào giáo hội tỉ lệ thuận với việc giáo hội phục vụ, quỳ gối truớc mọi người nam nữ của ngày hôm nay. Để có thể cất giọng tuyên bố điều này điều nọ, giáo hội phải biết hạ mình xuống, cúi mình xuống để săn sóc, để phục vụ…Chúng ta cảm thấy đây là một bổn phận của mỗi chúng ta, như một lệnh truyền dứt khoát, bởi lẽ là di chúc Đức Giêsu trao ban.


Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét